Truyện ngắn của
TRẦN MAI
(Báo Quảng Ngãi)- “Hôm nay có đoàn từ thiện đến phát quà cho những người bệnh nặng ở khoa. Ai có tên bệnh nặng thì ra nhận quà nhé”, giọng y tá Hoa vang lên.
Trong phòng bàn tán xôn xao, mấy bà mặc đồ bộ túm lại chỉ chỏ. “Con Hường bị ung thư, chứ mình bị nhẹ sao nhận được”, bà Hai Hớn nêu quan điểm, các bà gật gù tán đồng.
Thật ra, ở khoa Cơ xương - Huyết học chỉ có phòng 711 là bệnh nặng nhất. Trong phòng 100% bị bệnh ung thư máu, đang trong giai đoạn tử thần rình ngay cửa nên cho vào đây dễ theo dõi.
Những người biết mình bị bệnh ung thư đa phần còn trẻ, dù người nhà giấu cách nào thì chỉ cần gõ tên thuốc sử dụng hằng ngày treo lủng lẳng ngay đầu giường bệnh là phát hiện ra. Hường bị bệnh đó, bác sĩ và chồng cô giấu nhẹm, nhưng cuối cùng cô cũng biết là ung thư máu bởi chiếc smartphone tai hại.
Truyền hóa chất được hai đợt, tóc Hường bắt đầu rụng và cô liên tục khóc. Tinh thần cô không thể neo lại được sự lạc quan và bệnh nặng nhanh chóng. Mắt đỏ kè là dấu hiệu đầu tiên, tiếp đến xuất huyết ra tận da, dù cô chỉ đang ở giai đoạn đầu.
Bà Hai Hớn, bà Lầm, bà Phận đều ở quê lên, ung thư đã tiến triển đến giai đoạn ba, sinh tử bên lằn ranh. Những cơn đau chập chờn đến đi, mỗi lúc đau, các bà co người lại thở như thể chết đến nơi. Vậy mà khỏe lại đã đi khắp phòng động viên những người trẻ đã... ung thư. “Nghĩ mình cùng may mắn, già rồi mà chỉ đau tủy xương. Bọn trẻ mà bị ung thư”, bà Lầm nói nhỏ như sợ ai đó nghe thấy. Bà Phận lại gật gù, len lén nhìn Hường xuýt xoa. Ba bà còn nặng hơn cả Hường, nhưng chữ nghĩa ít quá, đọc “Đa u tủy xương” thành “Đau tủy xương”. Thế là từ chỗ bất hạnh nhất thành ra may mắn.
Đoàn từ thiện vào, đưa cho mỗi người một phong bì, bên trong có năm trăm nghìn đồng. Cả ba bà từ chối không nhận, nháy mắt với tình nguyện viên, tay chỉ chỉ về phía Hường rồi nói nhỏ “Mang qua cho con bé, bọn cô bị nhẹ lắm. Đau sơ sơ à”, bà Phận nói. Y tá và bác sĩ can thiệp để trao quà cho các bà. Nhưng rồi không thể được vì “ta bị nhẹ có chi mô”.
Hường trở bệnh rất nhanh, ung thư di căn đến các bộ phận khác, tàn phá cơ thể. Mùng bốn Tết, cô được chuyển ra khỏi phòng để... về nhà. Mấy cô gái cùng lứa nhìn theo khóc bạn, và nghĩ cho phận đời hẩm hiu của chính mình. Ai rồi cũng sẽ đến thời điểm như Hường, chỉ là thời gian.
Chẳng ai đứng dậy để bước đi tiễn bạn trong thời khắc nặng nề ấy, chỉ có ba bà lão học chưa đến lớp 5 là vỗ vai động viên chồng Hường “Thôi con Hường nó vậy rồi. Trời kêu ai nấy dạ, ráng về chăm hai đứa nhỏ nha cháu”. Chiếc xe đẩy rột rột trên sàn nhà, tiếng chông thang máy kêu “ting” cửa mở ra, một phận người rời khỏi ngôi nhà thứ hai với chiếc máy thở níu kéo một cuộc đời.
Xui rủi thế nào Hường về nhà vài ngày thì cả ba bà trở bệnh cùng lúc. Bác sĩ chuyển gấp cả ba qua phòng điều trị hóa chất ngay đối diện. Nỗi lo thoáng trên khuôn mặt khi cả ba chăm chăm vào chữ: “Phòng điều trị hóa chất” đánh vần.
Bác sĩ vừa xuống, bà Hớn nhảy bổ ra chận đầu “Ê, ta bị đau xương sao chuyển qua phòng hóa chất chi mi”. Thoáng ngớ người, nhưng rồi bác sĩ hiểu ra chuyện khi thấy đôi mắt trương to của con ba bà ngay phía sau lưng mẹ ra dấu hiệu. Hiểu ý, bác sĩ giải thích: “Bên kia phòng chật chuyển qua tạm thôi”. Ba bà hướng mắt nhìn về căn phòng 711 đúng là đông người thật, cả ba tin sái cổ, vỗ vai khen bác sĩ tội, thương các bà già.
Đợt truyền hóa chất đầu tiên, rồi đợt thứ hai, tóc cả ba bắt đầu rụng từng lọn lớn. Nhưng có hóa chất vào, nên căn bệnh tạm thời bị đẩy lùi. Cơn đau bỏ đi. Hết đợt, cả ba được trả về phòng cũ, thấy chỗ nằm chật chội liền nói khía bác sĩ: “Tưởng đâu thương mấy bà già cho nằm chỗ ngon luôn. Ai dè giờ chuyển qua lại bên này”.
Cả ba luôn làm sứ giả yêu thương của căn phòng đau thương. Ngày nào, cả ba cũng đi động viên những người trẻ, ngất lên khóc xuống vì hai chữ ung thư dù đôi khi chẳng đau gì mà chủ yếu là tinh thần suy sụp.
Vy, bệnh nhân mới 24 tuổi sau đợt truyền hóa chất, tóc rụng. Khoảng một tháng thì không còn sợi nào trên đầu. Cô khóc mãi rồi qua đời ngay trên giường bệnh sau bốn tháng điều trị, chính bà Phận là người đến vỗ về và phát hiện Vy đã về cõi khác. Ngày người nhà đưa Vy về, cả ba lại chạy theo động viên cha mẹ Vy.
Ba bà ngồi nhìn thành phố từ phía bệnh viện, đếm ngày để rời khỏi cái chỗ này.
“Khỏe rồi mà mấy đứa bác sĩ không cho mình về chi trơn”, bà Hớn nói.
“Ừ, chẳng biết giữ lại chi cho cực thân”, bà Phận đáp.
“Hay là trốn về cho rồi”, bà Lầm hiến kế.
Ba bà bàn mưu tính kế đủ thứ trên đời, cốt là về nhà đi dạo ngoài xóm cho nó sướng cái thân, ở đây tù túng quá. Khổ một nỗi là bác sĩ không dám cho về, cả ba phải ở nội trú điều trị dài hạn để theo dõi tình trạng nhiễm trùng. Ai cũng hiểu căn bệnh này, nhiễm trùng phát sốt là coi như xong.
Lần lượt, những người trẻ trong phòng sau đợt điều trị, biết bệnh và rồi phải lên chiếc xe cứu thương trở về nhà trong chuyến đi cuối cùng của đời mình. Chỉ có ba bà lão là vẫn bám trụ ở căn phòng ấy.
Chữ nghĩa nhiều quá đôi khi cũng khổ...
Hôm ấy trời đẹp, ba bà lão rủ nhau ra trước bệnh viện chơi, đi ngang qua Khoa Ung bướu, thấy mấy người đầu trọc lóc như mình đoạn rủ rỉ nhau. Mình cũng trọc, nhưng không phải ung thư. Thôi kệ không có tóc cũng được, miễn là không bị ung thư.
Hai năm trôi qua, bệnh đau tủy xương của các bà vẫn vậy. Chẳng thay đổi gì nhiều, các bác sĩ cũng rất bất ngờ vì khi vào viện, tiên lượng cả ba sẽ sớm phải chầu trời. Thế là ba bà cứ sống với bệnh đau tủy xương của mình, thay vì đa u tủy xương. Mấy cô y tá thấy các bà yêu đời quá ai cũng thương, buộc miệng nói với nhau: Đôi khi ít học lại khỏe, học nhiều cũng cực.
Tôi đưa mẹ ra viện, mẹ học vừa vừa, khi đau cũng mơ hồ nghĩ mình bị bệnh ung thư. Lúc hết đau lại vui vẻ nghĩ mình đau xương. Chữ nghĩa sấp ngửa chẳng biết đâu mà lần. Ai rồi cũng phải đi chuyến cuối cùng, tôi biết. Nhưng quan trọng là an yên./.