(Báo Quảng Ngãi)- Không phải là cán bộ chuyên trách, nên không có bảo hiểm xã hội, phụ cấp thì “ba cọc ba đồng”, nhưng hơn hai thập kỷ qua, ông Nguyễn Cao Viên (1963), ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn ngày ngày nhiệt tâm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở tại địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hạnh phúc khi được “đi sớm, về muộn”
Mới 4 giờ 30 phút sáng, nhưng người cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Tịnh Hà Nguyễn Cao Viên đã cần mẫn có mặt tại trụ sở UBND xã để chuẩn bị cho việc tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh... diễn ra từ 4 giờ 45 phút đến 6 giờ 30 phút. Hai thập kỷ gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở, cũng là ngần ấy thời gian ông Viên luôn tuân thủ khung giờ làm việc này, để đảm bảo hoạt động tiếp âm, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh...
Hằng ngày, ông Nguyễn Cao Viên đều có mặt tại UBND xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) từ 4 giờ 30 phút sáng để tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Là cán bộ không chuyên trách, nhưng công việc của cán bộ truyền thanh cơ sở như ông Viên lại khá đặc thù. Vào những dịp lễ, Tết, khi mọi người tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi, thì ông Viên lại cần mẫn “thi hành công vụ”. Đó là chưa kể, khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, công việc của ông Viên không chỉ dừng lại ở những khung giờ cố định như thường lệ, mà chuyển sang chế độ “trực chiến” bên máy phát sóng, tiếp âm để chuyển tải kịp thời những chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, cũng như diễn biến tình hình mưa lũ đến người dân.
“Có những năm lũ lớn, nước ngập nửa vách nhà, tôi vừa tranh thủ giúp vợ con sơ tán đồ đạc, vừa chạy đến cơ quan 4 - 5 lần/ngày để làm nhiệm vụ. Rồi khi người dân có chuyện gấp cần thông tin trên đài, như bị mất ví, bị lạc mất bò... mọi người lại điện thoại cho tôi. Lúc ấy, dù bận rộn đến mấy, tôi cũng thu xếp chạy lên trụ sở UBND xã để viết lại thông tin, rồi thông báo lên đài. Công việc của tôi là như vậy, chẳng những đi sớm, về muộn, mà còn không có khung giờ cố định nào”, ông Viên tâm sự.
“Mức phụ cấp công việc quá thấp, nên hầu hết những người làm truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chỉ gắn bó với công việc trong thời gian ngắn rồi chuyển việc. Do vậy, những người tâm huyết, gắn bó lâu dài với đài truyền thanh cơ sở như ông Nguyễn Cao Viên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”.
Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT)
TRẦN DUY LINH
|
Còn sức khỏe là còn cống hiến
Gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở từ khi tóc còn “xanh”, đến nay đã ngã màu, nhưng mức phụ cấp mà ông Viên nhận được hiện chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Hai thập kỷ làm cán bộ truyền thanh cơ sở, ông Viên cũng đã trải qua hai lần tai nạn lao động, khi đi kiểm tra các cụm loa bị hỏng hóc. Ấy thế mà, những khó khăn chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến niềm đam mê công việc trong ông.
“Làm truyền thanh cơ sở, đâu phải chỉ viết rồi đọc tin tức, hoặc phát sóng, tiếp âm các chương trình, mà đôi khi, chúng tôi còn phải kiêm luôn nhiệm vụ “leo cột điện” để kiểm tra hệ thống loa rồi tháo dỡ, mang loa đi sửa chữa khi có hỏng hóc xảy ra. Hai lần bị tai nạn, cũng đều xuất phát từ việc bị ngã thang khi đi kiểm tra cụm loa. Vợ con thấy vậy, cũng xót xa nên bảo tôi nghỉ làm. Nhưng tôi tâm niệm rằng, ngày nào mình còn khỏe và mọi người còn cần đến tiếng loa, thì mình còn cống hiến”, ông Viên sẻ chia.
Phụ trách một công việc không mấy nhẹ nhàng khi đã gần 60 tuổi, nhưng ông Viên vẫn luôn chịu khó học hỏi cách viết tin, bài, cách ứng dụng công nghệ mới vào công việc, để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đài truyền thanh cơ sở. Như trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, để kịp thời thông tin đến người dân, ông Viên đã ghi chép tỉ mỉ các thông tin về dịch bệnh Covid-19 qua các kênh báo chí, truyền hình rồi biên tập lại theo dạng tin tức ngắn gọn, dễ nhớ và thông tin thêm đến người dân.
Nhờ sự tận tâm trong công việc của ông Viên, mà tiếng loa truyền thanh vẫn ngày ngày vang khắp các ngóc ngách xóm, thôn và mang nhiều thông tin bổ ích đến với mọi người, mọi nhà. Với những cống hiến của mình, ông Viên vừa được Bộ TT&TT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông”.
Bài, ảnh: Ý THU