(Báo Quảng Ngãi)- Ba tôi là nông dân chính gốc, quanh năm úp mặt vào ruộng đồng cây cỏ. Vậy mà ở nhà, ba luôn có một kệ sách nho nhỏ. Bạn bè trong xóm vẫn cười ba, dốt mà bày đặt làm màu. Những lúc ấy ba tôi chỉ cười, ba luôn tập cho anh em tôi thói quen đọc sách. Thay vì đùa nghịch ban trưa, ba thường đặt vào tay anh em tôi những cuốn sách chi chít chữ nghĩa. Đời ba tôi không có cơ hội được học nhiều, nên ba luôn muốn anh em tôi học hành tới nơi tới chốn.
Sau những lần từ chối sách vì đám bạn cứ thập thò trước nhà với mấy cái trò rượt đuổi nhau rối rít. Cuối cùng đám bạn cũng từ bỏ hy vọng với sự nghiêm khắc của ba. Và không biết từ lúc nào, những trang sách cứ mê hoặc anh em chúng tôi. Anh hai bắt đầu được điểm tốt môn Văn, con bé út viết chữ không sai lỗi chính tả. Tôi thì bắt đầu viết những dòng chữ nguệch ngoạc trên giấy, để những dòng chữ đó ngay hàng, thẳng lối ở góc nhỏ trên tờ báo. Ba tôi mừng rỡ đem khoe khắp xóm.
Tờ báo được ba nâng niu như báu vật. Rồi sau việc đồng áng vất vả, ba cũng bắt đầu viết. Ba thường mừng rỡ, réo gọi con cái trong nhà mỗi khi ba viết được một bài thơ mới. Ba ngân nga cho cả nhà nghe lúc rảnh rỗi. Má tôi cũng chỉ biết cười nhưng thấy ba vất vả nên má thường không tỏ vẻ thái độ khó chịu. Tôi bắt đầu gửi những bài thơ vụng về của ba cho tòa soạn báo. Chờ đợi là cảm giác khiến cho con người ta nguôi bớt đi hy vọng, nhưng ba vẫn đọc sách và viết. Anh em chúng tôi thường ngồi cùng ba bàn luận về một quyển sách hay mình vừa đọc, về một nhân vật nào đó có kết cục bi thương. Những cuốn sách cứ chuyền tay nhau nối dài tình thương yêu trong gia đình chúng tôi.
Tôi vẫn còn nhớ như in lúc ba nhận được tờ báo có bài thơ của mình. Ba nhảy cẫng lên như một đứa trẻ, ba vội chạy vào khoe với má. Chiều đó gian bếp của má lại có thêm những tiếng cười. Ba nhướng mắt lên nhìn về phía má “cho bà hết khi dễ tôi”. Khác với suy nghĩ của anh em tôi, ba sẽ đem tờ báo đi khoe khắp xóm, khoe với những người từng bảo ba thơ thẩn lung tung. Ba xếp nó gọn gàng bên góc tủ, lâu lâu ba lại giở ra đọc từ trang đầu đến trang cuối. Con bé út thắc mắc với ba “sao ba không cho mọi người trong xóm biết thơ ba đăng báo”. Ba chỉ mình con bé út cười “ba làm nông dân, đọc sách làm thơ chủ yếu để các con nhìn vào mà học theo, chứ có phải nhà thơ gì đâu”. Tôi đứng bên hiên nhà, chiều chầm chậm trôi trên những mái đầu...
Từ thói quen của người đàn ông ít chữ. Anh em chúng tôi đều được học hành tới nơi tới chốn. Dù rằng chẳng phải là ông này bà nọ, vi vu trời Tây trời Âu, nhưng cũng đỡ nhọc nhằn so với ba má. Giờ đây, ba cũng không còn viết nhiều như xưa. Tôi cũng bận bịu với công việc thường ngày, lâu lâu vẫn viết đôi dòng gửi báo. Và ba vẫn cẩn thận gìn giữ tờ báo ấy như một thứ tài sản lớn lao. Và sau ngần ấy năm, cả gia đình tôi vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách. Mỗi trang sách giúp anh em chúng tôi nhận ra nhiều thứ, biết sống bao dung hơn, biết giúp đỡ mọi người xung quanh mình. Để từ nhỏ cho đến lớn ba má chẳng phải phiền lòng vì anh em chúng tôi. Sống để vừa lòng tất cả mọi người là một việc rất khó. Nhưng sống để người khác tôn trọng là việc mà ba má luôn mong muốn các con mình làm được.
Một ngày trở về với căn nhà xưa, những thứ cũ càng như vẫn còn nằm lại nơi đây. Góc sách nhỏ của ba được cơi nới ra thêm. Có đủ các thể loại sách mà ngày xưa ba tiếc tiền chẳng dám mua. Và ở góc nhỏ trang trọng, ba vẫn dành cho những tờ báo cũ thân thương...
HUỲNH THỊ MỘNG TUYỀN