Xóm chợ quê

08:04, 13/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi lần có dịp về quê ngoại, tôi háo hức nghĩ đến giây phút được ôm chầm lấy ngoại, vùi mái đầu khét nắng vào ngực, hít hà mùi mồ hôi quyện cái cay nồng của lá trầu không ngọt lừ không trộn lẫn với ai, để rồi có đi đâu xa cũng chỉ muốn ào về. Ngoài ra, còn một thứ cũng khiến tôi nôn nao không kém, trông ngày ngóng đêm mong được gặp lại cái xóm chợ quê nhà.  
 
Cái xóm Chợ với hơn chục liếp nhà tranh vây quanh gốc bàng cổ thụ dáng tròn ủm, nằm lọt thỏm giữa bề bề đá núi. Núi chắn sau lưng, núi liền bên cạnh. Núi đá chở che xóm Chợ những cơn gió lạnh mùa đông thổi về. Hè đến gió luồn từ biển thổi lên mát rười, mát rượi. Lũ trẻ con xóm Chợ ngày đó có một trò chơi, càng chơi càng thích thú khoái chí khi mười lần chơi, cả mười lần khác nhau.
 
Cả bọn thi nhau thách đố trèo nhanh lên cây bàng cổ thụ, nhướng ánh mắt nhìn tìm Sở Đèn ngày xửa ngày xưa, cái trạm đèn biển Ba Làng An vẫn thách thức cùng thời gian và mưa, gió, vẫn sừng sững hiên ngang bên biển khơi rộng lớn, dẫn đường chỉ lối cho tàu thuyền vào cảng Sa Kỳ khi màn đêm phủ xuống. Những đứa trẻ mắt long lanh nhìn trời, ngắm biển, thả ước mơ của mình theo con sóng khơi xa. 
 
 
Xóm Chợ buổi sớm mai, đứa con gái tôi dù có mê mải say ngủ thế nào, cũng vội vàng vùng dậy, nhảy ngay xuống giường khi nghe tiếng lách cách mở cửa dưới nhà của ngoại. Chân xỏ vội dép chiếc đực chiếc cái, mắt dụi lia dụi lịa, miệng ngáp sái cả quay hàm khi chưa qua cơn buồn ngủ, nhưng chân đã lon ton theo sát ngoại, kịp đón tàu cá từ huyện đảo Lý Sơn vừa neo lại bên bờ. Những con cá tươi xanh vừa đánh bắt lên từ biển còn giẫy đành đạch, những con mực mắt vẫn còn long lanh lóng lánh nhìn tôi như muốn hỏi điều gì?
 
Thế nhưng chỉ phút mốt sau, mặc kệ những câu hỏi về lũ cá, mực còn tưng tưng nhảy nhót trong đầu tôi đã chân sáo tung tăng  theo lũ bạn đi... mót cá. Những tàu đánh cá từ Lý Sơn vào, sau khi cân đổ cho bạn hàng cá ở chợ, vẫn không quên để lại tàu, thuyền những con cá nhỏ long tong cho tụi trẻ xóm Chợ đến... mót. Mót cá, nhà tôi ngày đó không có nhu cầu nhưng với những đứa trẻ xóm Chợ thì đó là khoản thu nhập cũng gọi là kha khá với con nhà khó lúc bấy giờ. 
                                            
Xóm Chợ là nơi xôn xao nhất của làng. Nhưng ở đây mọi thứ xôn xao đều nằm trong trật tự và tất nhiên ở đây tất cả đều gọn gàng, sạch sẽ, chợ cá đầu mối mà không tanh tao, bề bộn bừa bãi như nhiều cái chợ lớn mà tôi đã có dịp ghé qua.
 
Bạn sẽ hỏi tôi, xóm Chợ hay ho đó ở đâu mà sao tôi yêu tha thiết, da diết đến tận bây giờ? Chợ Định Tân, cái tên ấy đã neo lại trong tôi bao tình thương mến để dù có đi đâu, qua bao nhiêu miền quê đất nước, không bao giờ quên được xóm chợ quê. Nơi chuyện làng, chuyện xã, chuyện tàu thuyền, cá muối râm ran từ tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng đến tan buổi chợ nắng trưa.
 
Nhiều người vẫn nói câu cửa miệng “Dân xóm Chợ vẫn thường đanh đá”. Không biết người ta ra sao, còn tôi thấy mình thật là may mắn khi được sinh ra trong xóm chợ quê nhà. Để từ đây tôi đã học được cái thức khuya dậy sớm, biết nấu một bữa cơm ngon, canh ngọt, biết vị mặn mồ hôi ướt đẫm đồng tiền.
 
Tôi lớn lên, bước chân ra phố vào đại học, xóm Chợ tiễn đưa ngoài lời dặn dò, người cho can nước mắm, người ít cá khô mà lèn chật cứng ba lô mang theo.
 
Tôi rời xóm chợ quê về thành phố lập nghiệp, cả năm mới về thăm lại một lần. Bao giờ về tôi cũng tranh thủ ra chợ chơi một lúc, đi quanh quất các gian hàng, hỏi thăm một vài người bán hàng quen thuộc, nhớ vẩn vơ đôi ba ký ức năm nào rồi đi về. Chúng bạn năm xưa mỗi đứa một phương trời, chẳng đứa nào ở lại xóm Chợ để cùng tôi trèo lên cây bàng cổ thụ thi ai tìm ra Sở Đèn trước nhất, thả ước mơ theo con tàu vùng vẫy khơi xa.
 
Cuộc sống xóm Chợ quê tôi giờ đã nhiều thay đổi, song lòng vẫn thế! Xóm Chợ quê vẫn bình dị đơn sơ với những người con  mang tấm lòng chung thủy sắt son, thiết tha với quê cha đất tổ, với từng hạt cát, cành cây quê mình.
 
THỦY VŨ
 

.