Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên: Người giữ nhịp cồng chiêng

08:04, 10/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại các cuộc Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ngãi... đơn vị huyện Trà Bồng gần như lần nào cũng có tiết mục tấu chiêng và múa truyền thống của dân tộc Cor. Những tiết mục này luôn gây ấn tượng, để lại nhiều tình cảm trong lòng khán giả, đặc biệt là phần “đấu chiêng”, với sự "dẫn dắt" của nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên (1964), dân tộc Cor, ở xã Trà Sơn.
Ở tiết mục đấu chiêng, các nghệ nhân, diễn viên thể hiện một cách điêu luyện, nhuần nhuyễn với những động tác tấu chiêng đẹp mắt, kết hợp sắc thái âm nhạc chiêng hết sức độc đáo, làm say lòng nhiều người yêu thích âm nhạc cồng chiêng. 
 
Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên hướng dẫn tư thế đấu chiêng.
Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên hướng dẫn tư thế đấu chiêng.
“Đấu chiêng” là kỹ năng ứng tác các mô típ, sắc thái âm nhạc chiêng kết hợp với những động tác đánh chiêng, lắc vai, liếc mắt, lắc mông, móc chân với nhau... của hai người đánh chiêng. Người có khả năng biểu diễn đấu chiêng là người có những ứng tác các mô típ, câu nhạc, sắc thái âm nhạc chiêng đa dạng, phong phú.
 
Sắc thái âm nhạc chiêng lúc thì nhẹ nhàng, trầm lặng, lúc thì dồn dập, sôi nổi, mạnh mẽ... Các động tác, thần thái biểu diễn cũng vậy, lúc thì nghiêng người, lắc vai, liếc mắt, lắc mông... một cách hợp lý, thì mới có thể gây ấn tượng cho người xem.
 
Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên vóc dáng người không cao to, bề ngoài thấy ít nói, hơi chậm chạp. Vậy mà, khi anh đánh chiêng con người anh khác hẳn, rất linh hoạt, thần thái khỏe khoắn. Chúng tôi hỏi: Anh biểu diễn đấu chiêng như vậy có mệt không? Anh Biên vui vẻ trả lời: Bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe không còn như ngày xưa nữa, mệt chứ! Nhưng mà được biểu diễn cho mọi người xem là tôi thấy vui, nó quên hết cái mệt.
 
Anh Biên kể: "Hồi còn nhỏ, mới 14 tuổi tôi đã tập đánh chiêng rồi. Khi biết đánh chiêng, hễ trong làng có lễ hội ăn trâu, hay cúng giỗ, sinh hoạt vui chơi, giải trí... là tôi tham gia ngay. Quả thật, tôi rất thích thú khi được tham gia đánh chiêng".
 
Nhờ biết đánh chiêng, nên năm 1983, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Bồng mời anh tham gia đội văn nghệ của huyện. Từ đó, anh có cơ hội trình diễn, giao lưu, giới thiệu với khán giả về nét sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.
 
Trên 30 năm tham gia đội văn nghệ của huyện, anh đã nhiều lần trình diễn tiết mục tấu chiêng, đấu chiêng và đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghĩa Bình lần thứ III - năm 1985, Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật “Gặp gỡ Cao Nguyên” - năm 1994 tại Gia Lai; Giải Biểu diễn nhạc cụ dân tộc xuất sắc tại Liên hoan Nghệ thuật và Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam - năm 1996 tại Hà Nội...
 
Anh cũng đã tham gia rất nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng ở khu vực, toàn quốc được tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2009, anh vinh dự được tham gia Giao lưu Văn hóa Nghệ thuật Quốc tế tại đảo Jeju - Hàn Quốc và đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất - năm 2015.
 
Góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc Cor
 
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Sở VH-TT&DL, UBND huyện Trà Bồng tổ chức các lớp truyền dạy, chế tác các loại nhạc cụ, dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Cor tại huyện Trà Bồng. Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên là một trong những nghệ nhân rất tích cực tham gia, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Cor.
 
 
Bài, ảnh: Minh Đát
 
 
 
 

.