(Baoquangngai.vn)- Cách nay vừa tròn 75 năm Ngày 11.3.1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và kết thúc thắng lợi. Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của cuộc khởi nghĩa đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy; sự mưu trí, dũng cảm của những cán bộ, chiến sỹ đầu tiên của Đội du kích Cứu quốc Ba Tơ, gọi tắt là Đội du kích Ba Tơ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với 17 cán bộ, chiến sĩ, trong tay chỉ có các vũ khí thô sơ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa, sự ủng hộ, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Ba Tơ, họ đã trực tiếp tấn công vào sào huyệt của địch, đập tan sự thống trị của chúng, thành lập chính quyền cách mạng. Sau sự kiện trọng đại này, Đội du kích Ba Tơ được thành lập.
Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (từ tháng 3.1945 đến tháng 9.1945), nhưng Đội du kích Ba Tơ đã phát triển nhanh chóng, với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền năm 1945 ở Quảng Ngãi.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đội du kích Ba Tơ chuyển thành Giải phóng quân Lê Trung Đình và ngày càng lớn mạnh hơn. Những chiến sĩ du kích Ba Tơ ngày ấy, trở thành lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng lực lượng vũ trang các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và trực tiếp chiến đấu ở khắp các chiến trường từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bắc Sài Gòn đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Hạ Lào...
Với lời thề “Hy sinh vì Tổ quốc”, lấy chiến đấu diệt thù làm đích, chiến đấu vì mục đích của giai cấp vô sản, của dân tộc…, Đội du kích Ba Tơ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, là lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang Quân Khu 5 và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Năm 2010, Đội du kích Ba Tơ và nhiều cán bộ, chiến sĩ Du kích Ba Tơ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để ghi nhận sự cống hiến lớn lao và sự tri ân sâu sắc đối với cán bộ, chiến sỹ Đội du kích Ba Tơ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều công trình nghiên cứu về Đội du kích Ba Tơ đã được công bố và xuất bản thành sách. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đó chưa thể hiện đầy đủ, chính xác nhiều sự kiện lịch sử có liên quan đến sự ra đời, quá trình hoạt động, những cống hiến lớn lao của Đội du kích Ba Tơ, đặc biệt là chân dung của cán bộ, chiến sỹ Đội du kích Ba Tơ từ khi thành lập đến cuối năm 1945, đầu năm 1946.
Những chiến sĩ của Đội du kích Ba Tơ trở thành những thành viên chủ chốt của các đơn vị vũ trang ở hầu khắp các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Xuất phát từ tình hình đó và thể theo nguyện vọng của các đội viên và thân nhân gia đình các đội viên du kích Ba Tơ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương biên soạn cuốn sách “Đội du kích Ba Tơ- Kỷ yếu và Biên niên sự kiện”.
Được sự giúp đỡ của các phòng, ban chuyên môn của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi; đặc biệt là sự giúp đỡ trực tiếp của một số đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ và thân nhân của các đồng chí Du kích Ba Tơ đang sinh sống tại Quảng Ngãi, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và trên mọi miền Tổ quốc, cuốn sách “Đội du kích Ba Tơ- Kỷ yếu và Biên niên sự kiện” đã hoàn thành.
Nội dung cuốn sách gồm hai phần: Phần Biên niên sự kiện ghi lại một cách khái quát những diễn biến quan trọng, chủ yếu của phong trào cách mạng trong tỉnh, chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa trước khi cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và thắng lợi; những hoạt động tiêu biểu, nổi bật của Đội du kích Ba Tơ từ khi thành lập đến Khởi nghĩa Tháng Tám thành công và những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, khi Đội du kích Ba Tơ trở thành Giải phóng quân Lê Trung Đình, là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhiều tỉnh và trực tiếp chiến đấu chống thực dân Pháp trên các chiến trường Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Hạ Lào…
Phần Kỷ yếu ghi lại tên tuổi và những cống hiến trong quá trình xây dựng và chiến đấu của 420 cán bộ, đội viên Đội du kích Ba Tơ từ khi thành lập đến cuối năm 1945, đầu năm 1946, gồm: 3/5 đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ; 17 đồng chí trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang, đánh chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ trong đêm 11.3.1945 (trong đó có 2 đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ); 12 cán bộ, chiến sĩ được kết nạp vào Đội du kích Ba Tơ trong quá trình Đội du kích Ba Tơ xây dựng lực lượng và huấn luyện tại Chiến khu Cao Muôn (Nước Lá, Nước Sung…), huyện Ba Tơ vào tháng 3, tháng 4.1945; 383 cán bộ, chiến sĩ được kết nạp vào Đội du kích Ba Tơ từ tháng 5 đến đầu tháng 8.1945 (trong đó có 163 cán bộ, chiến sĩ Đại đội Hoàng Hoa Thám ở Chiến khu Núi Lớn, Mộ Đức; 220 cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phan Đình Phùng ở Chiến khu Vĩnh Sơn, Vĩnh Tuy, Sơn Tịnh) và 5 đồng chí khác do một số đồng chí nguyên là du kích Ba Tơ cung cấp cần phải xác minh thêm.
Bên cạnh đó, tập sách còn ghi tên của 98 cán bộ tỉnh, huyện và những cơ sở làm công tác quân nhu và tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí… cho Đội du kích Ba Tơ; một số hình ảnh các di tích lịch sử liên quan đến quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa và những địa điểm liên quan đến quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu của du kích Ba Tơ trong những ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình sưu tầm, chọn lọc, xác minh tư liệu, tài liệu và biên soạn nội dung cuốn sách, nhưng lịch sử trôi qua quá lâu, hồ sơ nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia Đội du kích Ba Tơ, nhất là thời kỳ hoạt động của cán bộ, chiến sỹ Du kích Ba Tơ tại Chiến khu Phan Đình Phùng và Chiến khu Hoàng Hoa Thám vẫn chưa được sưu tầm, tập hợp đầy đủ, nên tập sách không thể nào tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế.
Thái Nga