Trăm năm gìn giữ lễ rước sắc phong

11:03, 22/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua hơn trăm năm thăng trầm, với biết bao đổi thay của thời gian, ấy thế mà dòng họ Nguyễn Mậu ở làng Tú Sơn, xã Đức Lân (Mộ Đức) vẫn cùng nhau gìn giữ, duy trì nghi lễ rước sắc phong mỗi năm một lần. Bởi với họ, đó là cách để thể hiện tấm lòng thành kính, ghi ơn với bậc tiền hiền có công khai khẩn nên làng.
Hằng năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, dòng họ Nguyễn Mậu ở làng Tú Sơn lại tụ tập tại nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu để tổ chức nghi lễ rước sắc phong, mà các vua triều Nguyễn ban tặng cho bậc tiền hiền Nguyễn Mậu Phó và thành hoàng làng Tú Sơn. Theo khẳng định của ông Nguyễn Mậu Nghĩa, Trưởng ban tộc biểu của dòng họ Nguyễn Mậu, đây là nghi lễ được dòng họ Nguyễn Mậu gìn giữ, duy trì đã hơn một thế kỷ nay. 
 
Đội rước sắc phong của dòng họ Nguyễn Mậu rước sắc phong từ nhà thủ sắc về nhà thờ họ vào ngày 2.2 âm lịch hằng năm.  Ảnh: MẬU HƯNG
Đội rước sắc phong của dòng họ Nguyễn Mậu rước sắc phong từ nhà thủ sắc về nhà thờ họ vào ngày 2.2 âm lịch hằng năm. Ảnh: MẬU HƯNG
 
Lý giải lễ rước sắc phong tồn tại hơn trăm năm của dòng họ mình, Trưởng ban tộc biểu Nguyễn Mậu Nghĩa cho biết: “Coi sắc phong như báu vật, nên cứ mỗi nhiệm kỳ 5 năm, dòng họ sẽ tổ chức bầu ra một Thủ sắc (người giữ sắc phong) nhận nhiệm vụ cất giữ, thờ phụng sắc phong. Người được bầu vào vị trí này phải là người có uy tín trong họ. Rồi hằng năm, cứ đến ngày 2.2 âm lịch, dòng họ sẽ tổ chức nghi lễ rước sắc từ nhà của Thủ sắc về nhà thờ, đặt lên bàn chính điện thực hiện nghi lễ cúng đầu năm. Sau khi cúng xong, chúng tôi lại đưa sắc về lại nhà Thủ sắc”.
 
Theo tài liệu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, ông Nguyễn Mậu Phó (?- 1659) là hậu duệ đời thứ 7 của ông Nguyễn Nhữ Lãm - một vị khai quốc công thần thời Lê sơ. Nguyễn Mậu Phó là người có công chinh phục, khai phá vùng hoang địa Tú Sơn thành ruộng đồng màu mỡ, phì nhiêu. Từ những công lao trên, Vua Khải Định đã có sắc phong truy tặng ông là: ”Dực bảo trung hưng linh phò chi thần”. Ngoài sắc phong này, nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu còn lưu giữ 6 sắc phong khác của các vua Duy Tân, Đồng Khánh, Tự Đức ban tặng.
 
Câu chuyện gìn giữ lễ rước sắc phong đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ dòng họ Nguyễn Mậu ở làng Tú Sơn. Họ đã không quản ngại khó khăn, thậm chí cả tính mạng để bảo vệ nghi lễ trang trọng này. Nhớ lại khoảng thời gian đất nước vẫn còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Thủ sắc Nguyễn Mậu Dương, nay đã bước sang tuổi bát tuần, bồi hồi kể: “Bom rơi, đạn lạc tứ bề, nhưng dòng họ tôi ngày ấy, hằng năm vẫn quyết tâm tổ chức lễ rước sắc phong. Vừa rước sắc phong, vừa “chạy giặc”, ấy vậy mà chưa năm nào dòng họ Nguyễn Mậu để nghi lễ này bị gián đoạn”. 
 
Sắc phong của dòng họ Nguyễn Mậu đang được lưu giữ tại nhà Thủ sắc Nguyễn Mậu Dương.
Sắc phong của dòng họ Nguyễn Mậu đang được lưu giữ tại nhà Thủ sắc Nguyễn Mậu Dương.
 
Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại. Nhà thờ họ Nguyễn Mậu đã trải qua bao lần hư hỏng, xuống cấp, phải trùng tu nhiều lần. Thế nhưng, 7 sắc phong cùng nghi lễ rước sắc phong của dòng họ vẫn vẹn nguyên cùng năm tháng. Trong nhà thờ bậc tiền hiền Nguyễn Mậu, kiệu rước sắc phong, rương gỗ đựng 24 bộ quần áo truyền thống dành cho đội rước sắc phong luôn được người trong họ sắp xếp ngay ngắn và cất giữ cẩn thận. 
 
Ngày rước sắc phong, đội rước sắc gồm 12 thanh niên phụ trách nhiệm vụ cầm cờ, cùng 4 người khiêng chiêng, trống và 4 người khiêng kiệu rước sắc phong sẽ đi bộ từ nhà thờ Nguyễn Mậu ra đến nhà Thủ sắc. Tại nhà Thủ sắc, chủ bái và chủ xướng phải thực hiện hoàn tất các nghi thức cúng bái long trọng, thì sắc phong mới chính thức được rước lên kiệu để theo đội rước sắc phong về nhà thờ.
 
Theo các bô lão của dòng họ Nguyễn Mậu, dòng họ Nguyễn Mậu là một trong những dòng họ đóng góp vào công cuộc khai hoang, mở đất, lập làng Tú Sơn, huyện Mộ Hoa (xã Đức Lân, Mộ Đức ngày nay) vào cuối thế kỷ XVII, nên ngoài con cháu trong dòng họ, lễ rước sắc phong còn có sự tham gia của đông đảo người làng Tú Sơn. 
 
Kiệu dùng rước sắc phong được dòng họ Nguyễn Mậu nâng niu, lưu giữ tại nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu.
Kiệu dùng rước sắc phong được dòng họ Nguyễn Mậu nâng niu, lưu giữ tại nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu.
 
Khắc ghi lời dạy của cha ông: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", con cháu dòng họ Nguyễn Mậu cứ thế luân phiên nhau gìn giữ các sắc phong và nghi lễ rước sắc của dòng họ mình như cách để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền hiền đã dày công khai khẩn, gầy dựng cơ đồ cho hậu thế. Nhờ thế, bảy sắc phong có “tuổi đời” từ 102 - 168 năm dẫu trải qua không biết bao biến cố cùng đất nước, nhưng vẫn vẹn nguyên sắc vàng của giấy dó và màu son đỏ của dấu triện Vua ban... cho đến tận ngày nay.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 

.