Người Cor ở bên kia núi

10:03, 29/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách nhau bởi ngọn núi Răng Cưa huyền thoại, nhưng cho đến giờ đồng bào Cor ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam vẫn gắn kết như anh em một nhà.
Trong di sản văn hóa của mình, người Cor còn bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo. Với người Cor thì hầu như gia đình nào cũng có người biết nhạc và múa. Thế giới của âm thanh chừng như hiện diện ở nhiều nơi trong cộng đồng Cor. Nhạc, múa, trò diễn của người Cor có khi là sinh hoạt thường ngày, có khi gắn với mục đích thực dụng như xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, có khi lại gắn với nghi lễ thiêng liêng.
 
Trong nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, người Cor đã sáng tạo ra một cách diễn tấu đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người. Mỗi dịp lễ hội thì tiết mục đấu chiêng luôn được đồng bào chờ đợi, người chơi luôn hào hứng, thể hiện tài năng của mình. 
 
Điệu múa kà đáo của dân tộc Cor Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại Lễ hội phục dựng cây nêu các dân tộc tại huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Tấn Vịnh
Điệu múa kà đáo của dân tộc Cor Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại Lễ hội phục dựng cây nêu các dân tộc tại huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Tấn Vịnh
Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi vì lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Với tiết mục đấu chiêng đôi, âm sắc nhạc điệu càng thêm độc đáo. Người diễn xướng vừa chơi nhạc cụ giỏi, vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ để họ trổ tài diễn xuất hết mình.
 Dân tộc Cor có số dân khoảng dưới 30.000 người, phân bố chủ yếu ở hai huyện Trà Bồng, Tây Trà (nay sáp nhập thành huyện Trà Bồng), tỉnh Quảng Ngãi với khoảng trên 24.500 người. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chỉ có khoảng trên 4.500 đồng bào Cor cư trú tại huyện Bắc Trà My và số ít ở Tam Trà, huyện Núi Thành. Thời xưa, một nhóm người Cor di cư từ Trà Bồng sang Trà My sinh sống và chọn nơi đây là “quê hương thứ hai”. Hai địa phương giáp nhau tại xã Trà Hiệp (Trà Bồng) và Trà Kót (Bắc Trà My). 
Chiêng đối đáp chẳng những được các nghệ nhân dân tộc Cor ở Quảng Ngãi biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở làng, mà còn mang đi trình diễn trong các lễ hội giao lưu văn hóa ở huyện, tỉnh và cao hơn là tầm khu vực và quốc gia. Nhiều nghệ nhân đấu chiêng giỏi cũng được mời đến tham gia, giao lưu với đồng bào mình tại Bắc Trà My, Quảng Nam.
 
Còn nhớ, vào dịp Lễ hội Văn hóa thể thao dân tộc Cor của huyện Bắc Trà My tổ chức vào năm 2013 tại xã Trà Kót (Bắc Trà My), tiết mục hấp dẫn nhất là biểu diễn chiêng đối đáp với sự tham gia của các nghệ nhân dân tộc Cor đến từ huyện Trà Bồng. Còn tại Lễ hội Văn hóa thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2014 được tổ chức tại huyện Bắc Trà My, tiết mục chiêng đối đáp được trình diễn trong lễ khai mạc với sự biểu diễn của các nghệ nhân dân tộc Cor Trà Bồng và nhóm nghệ nhân xã Trà Kót múa cà đáo phù họa, là tiết mục hay nhất, gây ấn tượng nhất. 
Điệu múa cà đáo và diễn tấu chiêng đôi trong đêm hội ở xã Trà Kót, Bắc Trà My (Quảng Nam).
Điệu múa cà đáo và diễn tấu chiêng đôi trong đêm hội ở xã Trà Kót, Bắc Trà My (Quảng Nam).
Chiêng đối đáp là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị nghệ thuật của dân tộc Cor. Trong khi đồng bào dân tộc Cor ở Quảng Ngãi phát huy tốt loại hình nghệ thuật này, có nhiều nghệ nhân biểu diễn xuất sắc, thì đồng bào ở Quảng Nam, đấu chiêng không còn xuất hiện trong sinh hoạt lễ hội, nghệ thuật diễn tấu này đã bị mai một. Gần đây, huyện Bắc Trà My đã mời một số nghệ nhân ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) đến trực tiếp truyền dạy cho 15 thanh niên dân tộc Cor tại 2 xã Trà Nú và Trà Kót về nghệ thuật diễn tấu chiêng đôi.
 
Qua đó, họ đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho chính những người bà con của mình. Nghệ nhân Hồ Văn An ở xã Trà Thủy còn truyền dạy nghệ thuật trang trí cây nêu và bộ gu cho các nghệ nhân ở Bắc Trà My. Mỗi lần tổ chức lễ hội như lễ Giả rạ, lễ cầu mùa, bà con dân tộc Cor hai bên đều mời đại diện gia đình, tộc họ qua dự. Các nghệ nhân am hiểu nghệ thuật múa, tấu chiêng, điêu khắc trao đổi lẫn nhau, cùng hòa mình trong nhịp trống chiêng, điệu dân vũ lôi cuốn, trong men say của hơi ấm cộng đồng.
 
Nhờ vậy, nghệ thuật đấu chiêng đôi và một số loại hình diễn xướng dân gian khác của đồng bào Cor cư trú trên địa bàn Quảng Nam đã được phục hồi, di sản quý báu đã được truyền lại cho thế hệ trẻ. Trong các sự kiện giao lưu văn hóa, lễ hội quy mô cấp tỉnh, khu vực được tổ chức trong thời gian gần đây, điệu chiêng đối đáp của nghệ nhân dân tộc Cor đến từ Bắc Trà My, Trà Bồng cùng cất lên âm điệu, cùng nhau giữ gìn, trao truyền nét tinh hoa trong văn hóa tộc người ở miền núi Quảng Nam và Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: TẤN VỊNH
 
 
 
 

.