(Báo Quảng Ngãi)- Dù mới 28 tuổi, nhưng chàng trai Đinh Quốc Tuấn (nghệ danh Tín Phong), quê ở xã Sơn Dung (Sơn Tây), đã có nhiều tác phẩm âm nhạc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi được đánh giá cao. Tuấn đa năng ở nhiều lĩnh vực âm nhạc. Vừa là ca sĩ tự do, với giọng hát truyền cảm, Tuấn vừa tham gia sáng tác nhạc và hiện là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chàng trai đa tài
Tôi gặp Tuấn trong dịp anh về địa phương tham gia dàn dựng với vai trò đạo diễn các tiết mục âm nhạc cho huyện Sơn Tây tham gia Hội thi Nghệ thuật quần chúng tỉnh. Những tiết mục mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ca Dong đã nhận nhiều ngợi khen của khán thính giả.
Đinh Quốc Tuấn tặng quà cho trẻ em Ca Dong ở huyện Sơn Tây trong một lần về thăm quê. |
Tuấn đang sống và làm việc tại Hà Nội với vai trò là giảng viên âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dù bận rộn với nhiều dự án, hoạt động âm nhạc, nhưng mỗi khi quê hương có những hoạt động văn hóa - văn nghệ, anh đều tranh thủ về góp sức cho địa phương.
Với chàng trai 9X ấy, quê hương núi rừng Sơn Tây là nơi lớn lên, là nơi để cảm hứng âm nhạc cất cánh. Tuấn chia sẻ, từ lúc 2 tuổi đã bộc lộ năng khiếu ca hát và thích thú với âm nhạc. Những làn điệu dân ca mộc mạc được nghe từ các bà, các mẹ như bồi đắp thêm tài năng cho cậu bé đa tài này. Từ đam mê và năng khiếu, Tuấn thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc- Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Nhờ thành tích học tập và rèn luyện tốt, Tuấn được giữ lại viện làm giảng viên. Tính đến nay, học trò được Tuấn đào tạo có hàng trăm em. Trong đó có nhiều bạn trẻ thành danh như Hiền Mai- Á quân cuộc thi Giọng hát Việt 2017; Quỳnh Nhi - Quán quân Chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí 2019...
Ngoài dạy thanh nhạc, Tuấn dành thời gian sáng tác nhiều ca khúc ca ngợi quê hương, núi rừng Sơn Tây như: "Điện sáng trên quê em"; "Sơn Tây trọn niềm vui" - đây là ca khúc đoạt giải ca khúc xuất sắc tại Chương trình Tiếng hát đồng quê của tỉnh Quảng Ngãi. Và nhiều ca khúc đặc sắc như: "Một nửa vòng tròn", "Kỷ niệm tuổi học trò", "Người con gái Việt Nam"... được nhiều học trò phát hành và tham gia các sân chơi âm nhạc lớn trong toàn quốc.
Ngoài sáng tác ca khúc, Tuấn còn là ca sĩ thành danh tại các sân khấu ca nhạc. Hiện Tuấn đang theo đuổi đam mê trên con đường làm đạo diễn âm nhạc chuyên nghiệp. Vào dịp nghỉ lễ, Tết, Tuấn thường về quê, cất công sưu tầm nhạc cụ, nhạc lý và học hỏi âm nhạc, văn hóa đặc sắc của đồng bào qua các già làng, nghệ nhân, để bồi đắp thêm tâm hồn yêu âm nhạc, tìm chất liệu cho sáng tác.
Giàu lòng nhân ái
Đằng sau tài năng của chàng nghệ sĩ đa năng ấy là một người giàu lòng nhân ái. Những năm qua, Tuấn đã thay cha mẹ, nhận nuôi, dìu dắt cho cô em gái Đinh Thị Cẩm Lệ - là giọng ca nhí của núi rừng Sơn Tây được yêu thích hiện nay. Ngoài dìu dắt em gái trên con đường âm nhạc, Tuấn tranh thủ “chạy sô” các chương trình ca nhạc và dạy nhạc để có chi phí nuôi em gái học văn hóa và thanh nhạc tại Hà Nội. “Nếu không có sự giúp đỡ và dạy bảo của anh trai Quốc Tuấn, thì em khó có cơ hội để theo đuổi ước mơ làm ca sĩ của mình. Anh chính là động lực để em cố gắng mỗi ngày”, em Đinh Thị Cẩm Lệ chia sẻ.
Ngoài ra, Tuấn còn nhận nuôi một cậu em trai, tên Lê Minh Quang, quê ở Quảng Ngãi theo gia đình ra Hà Nội sinh sống. Tuấn kể tôi nghe câu chuyện cảm động của Quang. Trong lần giao lưu âm nhạc với Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), biết được hoàn cảnh của Quang khi em có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, Tuấn dang rộng vòng tay đón em về nuôi dưỡng ăn học. Hiện nay, Quang đã học năm hai, Trường Đại học Ngoại thương với thành tích học giỏi.
“Nhìn các em trưởng thành, đứa lớn chỉ cho đứa nhỏ học, khoe điểm tốt, chăm ngoan, sống hết mình với đam mê, nên dù khó khăn, vất vả để lo chi phí học hành của các em, tôi vẫn luôn thấy mình rất hạnh phúc”, Tuấn bộc bạch.
Giữ gìn văn hóa dân tộc Ca Dong
Tuấn chia sẻ: “Văn hóa bản sắc của đồng bào Ca Dong mình nghìn đời nay ông cha truyền lại, chúng tôi thế hệ trẻ sẽ tiếp tục học hỏi để giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp cho mai sau. Mong ước của tôi là sẽ triển khai lớp dạy nhạc tại quê hương để cho các em nhỏ phát huy năng khiếu và lập các đội văn nghệ chuyên nghiệp với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho phong trào văn hóa, văn nghệ tại quê hương vào dịp lễ, tết của dân tộc mình”.
|
Bài, ảnh: KIM NGÂN