Cho các làn điệu dân ca Ca Dong vang mãi

02:01, 24/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa dòng chảy của âm nhạc hiện đại, nhiều người con của đồng bào dân tộc Ca Dong vẫn lặng lẽ lưu truyền các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình cho con em. Âm vang của núi rừng vẫn quyện vào những thanh âm tạo nên những dòng chảy trầm bổng, lắng đọng.

TIN LIÊN QUAN

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, cho biết: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và giao cho Sở VH-TT&DL chủ trì thực hiện. Để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vô giá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong năm 2017, ngành đã mở các lớp truyền dạy dân ca cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và dân tộc Ca Dong nói riêng.

Anh Đinh Văn Sơn tự tay làm cây đàn tre, để biểu diễn văn nghệ.
Anh Đinh Văn Sơn tự tay làm cây đàn tre, để biểu diễn văn nghệ.


Đến nay, đã tổ chức 6 lớp học dân ca Hrê, Ca Dong và Cor tại các huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, thu hút gần 300 học viên tham gia. Ngoài ra, cứ hai năm, Sở còn tổ chức các cuộc thi cồng chiêng và hát dân ca giữa các dân tộc thiểu số, nhằm tìm ra các nhân tố, hạt nhân văn hóa để bồi dưỡng, thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở phát triển, góp phần lưu truyền văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 

"Được cha đẻ là cụ Đinh Văn Ló truyền dạy lại các làn điệu dân ca dân tộc Ca Dong, thẩm thấu qua từng lời ca tiếng hát của cha mình truyền lại, tôi quyết tâm tìm tòi, học hỏi và thuộc nhiều bài hát của dân tộc mình. Thực hiện lời dạy của cha tôi trước lúc qua đời, tôi đã lưu truyền các làn điệu dân ca truyền thống của người Ca Dong trong các đợt hội họp, các buổi nói chuyện, những dịp lễ, Tết. Đó là niềm tự hào về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Ca Dong mình".
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây ĐINH KÀ ĐỂ

Cũng theo ông Cao Văn Chư, người Ca Dong luôn tự hào khi có một nền văn hóa nghệ thuật đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, có cả truyện cổ vừa kể, vừa hát, kể mấy đêm liền không hết một câu chuyện. Có thành ngữ, câu đố, đồng dao đúc kết từ trong quan hệ ứng xử, từ kinh nghiệm lao động sản xuất, chiến đấu; có dân ca mượt mà, độc đáo như: Kalêu, ra ngế, ru con...

Đặc biệt, người Ca Dong có nền âm nhạc phong phú, độc đáo. “Việc lưu truyền văn hóa Ca Dong là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là cộng đồng dân tộc ở địa phương. Ngành văn hóa mong muốn các học viên, nghệ nhân, cùng chính quyền địa phương tiếp tục lưu truyền rộng rãi văn hóa của người đồng bào dân tộc Ca Dong đến người dân trên toàn huyện”, ông Chư cho hay.

Ông Đinh Thanh Sơn (47 tuổi) ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) là một trong 4 nghệ nhân được ngành văn hóa mời truyền dạy dân ca dân tộc Ca Dong. Ông Sơn chia sẻ: Khi còn nhỏ, tôi thẩm thấu các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Ca Dong qua người cha. Nhờ vậy, tôi sớm thuộc nhiều bài hát truyền thống của dân tộc Ca Dong, các bài hát ru, kalêu, ra ngế... Giờ đây, ông Sơn được mời truyền lại cho con em địa phương và các con của ông. Hiện nay, 3 người con của vợ chồng ông đều hát được dân ca của đồng bào dân tộc mình.

Chị Đinh Thị Sa (30 tuổi) ở thôn Trà Vinh, xã Sơn Màu tham gia lớp truyền dạy dân ca dân tộc Ca Dong, thổ lộ: Tôi được nghe rất nhiều bài hát về các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc mình, nhất là những ngày lễ, Tết. Sau khi tham gia lớp học, tôi sẽ truyền dạy các làn điệu dân ca cho chị em, phụ nữ ở địa phương.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, cái khó của việc lưu truyền các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Ca Dong là chữ viết. Các bạn chỉ có thể ghi âm để hát lại, chứ không biết chữ viết của đồng bào dân tộc mình. Anh Đinh Văn Lăng (35 tuổi) ở thôn Tà Cây, xã Sơn Tân là một trong những người trẻ rành tiếng Ca Dong và yêu thích các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, chia sẻ: Từ nhỏ tôi rất thần tượng nghệ sĩ Đinh Long Ta. Vì vậy, tôi đã tập hát và thuộc rất nhiều bài như: Huy măng nhơng nao (niềm vui khi có điện, đường, trường, trạm); Sơn Tây gung nhên (Đổi thay ở Sơn Tây)... Các ca khúc này thường được hát vào dịp lễ, Tết, để góp phần lưu truyền các làn điệu dân ca dân tộc Ca Dong.

Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Tây Lê Phương Nam, cho hay: Trong những năm qua, nhất là vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân, phòng đều tổ chức chương trình văn hóa - văn nghệ ở 9 xã, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong. Hiện nay, phòng đang chỉ đạo các xã lưu truyền và dạy cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong chương trình mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất-2018, phòng sẽ đưa vào các làn điệu dân ca dân tộc Ca Dong vào phục vụ người dân. Và trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục truyền dạy cồng chiêng và các làn điệu dân ca, nhằm giúp giới trẻ đồng bào dân tộc Ca Dong hiểu hơn về loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 


.