(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tên gọi cuốn hồi ức của Thiếu tướng Võ Bẩm, người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà, vị Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, đơn vị mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại. Những nẻo đường ông cùng với đồng đội đã đi qua là chặng đường dài suốt nửa thế kỷ đi cùng lịch sử quê hương, đất nước, với biết bao gian khổ, hy sinh, nhưng đầy tự hào.
Tôi đọc “Những nẻo đường kháng chiến” như một món quà của bậc cha ông đi trước dành tặng thế hệ trẻ. Đó là món quà rất đặc biệt và có lẽ mỗi một người trẻ, nhất là thế hệ sinh ra trong thời bình nên một lần đọc qua để hiểu hơn về lịch sử cách mạng của dân tộc, lịch sử mở đường Trường Sơn huyền thoại và về con người, quê hương Quảng Ngãi kiên cường, bất khuất.
“Những nẻo đường kháng chiến” là những nẻo đường theo suốt chặng đường dài của dòng chảy lịch sử cách mạng quê hương, đất nước. ở đó sự hy sinh, gian khổ của những chiến sĩ cách mạng, những người lính Cụ Hồ chẳng thể nào kể xiết, nhưng cao quý hơn cả là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lòng yêu nước vẫn luôn bừng cháy, vẫn mãi son sắt một lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Thiếu tướng Võ Bẩm đã về với đất mẹ, nhưng “Những nẻo đường kháng chiến” của ông thì sống mãi với thời gian. Đó là quãng thời gian tuổi thơ của ông và những ngày đầu theo Đảng; là kháng chiến 9 năm vào Nam, ra Bắc; là những tháng năm chẳng thể nào quên khi mở đường Trường Sơn-đường mang tên Bác... Những nơi ông cùng đồng đội đi qua sẽ còn ghi dấu mãi, để lại bài học lịch sử quý như lời căn dặn đối với thế hệ trẻ để thêm yêu Tổ quốc mình. Cậu bé Võ Bẩm ngày ấy, khi mới 15 tuổi đã bước những bước đầu tiên trên con đường theo Đảng làm cách mạng.
Dưới cờ của Đảng, tròn 50 năm, ông đã đi khắp mọi nẻo đường làm cách mạng. Với ông, một trong những niềm hạnh phúc lớn lao trong quá trình công tác của mình là hai lần được Bác Hồ động viên, giao nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức mở đường Trường Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền Nam, là vị Đoàn trường đầu tiên của Đoàn 559, đơn vị đã làm nên đường Trường Sơn huyền thoại.
“Một sự trùng lặp ngẫu nhiên, nhưng đầy ý nghĩa: Ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác và bằng sự nhạy cảm đặc biệt chúng tôi thống nhất đề nghị lấy ngày 19 tháng 5 năm 1959 làm ngày truyền thống của đoàn và Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559. Và rồi như một sự thống nhất biện chứng - con đường Trường Sơn được đoàn 559 khai phá sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi là đường Hồ Chí Minh... Trở lại với rừng, ngay từ những bước soi đường đầu tiên, ai nấy đều bị vắt đốt một trận nên thân. Gỡ vắt bám đầy chân, máu chảy ròng ròng, tôi nói đùa với anh em rằng: Thế là chúng ta đã “lưu huyết” từ những bước đi đầu tiên trên đường Trường Sơn”. Quả là vậy, đã có biết bao chiến sĩ cách mạng nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn, các anh hy sinh để Bắc - Nam sum họp một nhà, để dân tộc được độc lập, tự do.
Đọc “Những nẻo đường kháng chiến” của Thiếu tướng Võ Bẩm, tôi và các bạn nhớ về vị tướng với ý chí kiên cường, bền gan chiến đấu, nhớ về nhiệt huyết cách mạng, về sự hy sinh xương máu của cha ông, của những lớp người đi trước để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhớ về Thiếu tướng Võ Bẩm là nhớ về sự tiên phong, mở đường vượt núi, vượt biển... Tất cả vì một lẽ rất tự nhiên của trái tim yêu nước!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ