Truyện ngắn của
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
(Báo Quảng Ngãi)- Nhìn họ, những con người đó, họ không hề thấy cô gái ấy đáng thương sao? Như tôi, tôi chỉ muốn có thể dang tay cứu vớt em, nhưng đành bất lực vì thân phận của mình và tự an ủi chính mình rằng cũng nên để cho cô gái trẻ biết như thế nào là cuộc sống, tự vấp ngã và đứng dậy bằng chính đôi chân của mình thì cuộc sống sau này mới dễ dàng hơn.
Ngay khi bước ra khỏi cổng trường đại học, tôi vào làm trong một công ty, sống những ngày tháng an phận thủ thường, lấy một người chồng yêu thương mình, đó đã là những gì mà cuộc đời một người con gái phải trải qua được cho là hạnh phúc. Tôi đã chọn một lối sống khép kín, hoàn toàn xa lạ, để tránh bị những điều tiếng dị nghị của người đời, cho đến khi tôi gặp em.
Em có một suy nghĩ hoàn toàn khác tôi. Em tươi trẻ, yêu đời và dễ tin người. Chúng tôi sống gần nhà nhau và cũng chính tôi là người giới thiệu em làm việc ở đây, nhưng tôi cũng dặn em đừng tỏ ra quen biết mà hãy xem nhau như người xa lạ. Ban đầu em không hiểu, tôi cũng kiệm lời, chỉ dặn:
- Đừng sống mà tỏ ra quen nhau, khi có việc gì thì người kia sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi kinh nghiệm sống nhiều hơn em. Thực ra trong cuộc sống này, nếu làm điều gì không ảnh hưởng tới người ta thì sẽ không sao, nhưng chỉ cần đụng chạm tới bất kỳ một ai thì nó sẽ gần như là vết nhơ cả đời không xóa được. Và “những câu chuyện sau lưng” là thứ không thể thiếu nơi công sở.
- Con bé mới vô trông nó ngây thơ phải biết bà nhỉ?
Cô ả móc vai hỏi tôi, tôi ậm ừ:
- Nhìn cũng ngây thơ thật.
- Bà đừng có trông mặt mà bắt hình dong, khéo có ngày mà được lòng anh sếp thì thành bà nhỏ lại đè đầu cưỡi cổ mình đó.
Tôi bất chợt nhìn sang em, “bà nhỏ” ấy vẫn đang ngây thơ chuẩn bị đi mua café cho phòng buổi sáng, tôi chợt nhớ lại hôm qua em hỏi tôi làm sao gây thiện cảm với những người đồng nghiệp mới. Thực ra tình trạng này cũng không có gì lạ, ngày tôi mới đi làm, “những người đi trước tôi” cũng hay “sau lưng” tôi như thế... nghĩ cũng nhanh thật, ngót nghét đã hơn mươi năm, khi tôi trở thành kỳ cựu, tôi lại lặp lại đúng quá khứ ngày xưa của mình.
Là nhân viên mới đồng nghĩa với một chân chạy vặt, nếu không phải sáng sáng để ý mua café cho các chị cùng phòng thì cũng bị bắt đi photo, in tài liệu và nếu chị nào ngày đó có “hơi mệt mỏi” thì thể nào cũng phải làm thay. Đôi khi tôi thấy cũng hơi chướng mắt nên cũng góp ý:
- Coi chừng bị mang tiếng bắt nạt nhân viên mới.
- Ối dào, chị cả khéo lo. Lâu lắm công ty mình mới có người mới, không tranh thủ lúc này còn lúc nào. Hơn nữa, mới vào còn rỗi việc lắm. Để không mục tay, mục chân.
Cứ lúc rảnh khi chồng tôi đi làm ca, tối không có gì làm em lại sang phòng tôi chơi, tôi cũng hỏi về khó khăn trên công ty, em chỉ cười:
- Em cũng đủ trưởng thành để hiểu các chị ấy đang làm gì, nhưng em tin nếu em chân thành mọi thứ sẽ khác. Hơn nữa, đúng là em rỗi thật mà.
Tôi chỉ biết mỉm cười xoa đầu em, cái chín chắn của em là cái mà mười năm trước tôi đã không có được. Còn em, em ngây thơ đủ để lạc quan, nhưng chín chắn đủ để an ủi chính mình trước những khó khăn. Nhà em vốn nghèo, còn mẹ già ở quê, vừa tốt nghiệp đại học, chân ướt chân ráo vào đời, công việc bây giờ quá khó khăn, nên tôi tin em sẽ cố hết sức để giữ gìn.
Vậy mà, em lại thăng chức thật, đi làm non năm em được tuyển vào làm thư ký của sếp. Với tôi, đó là việc bình thường, sếp tôi là một người trọng năng lực, so với mớ bằng cấp chạy vạy, mua được của phần lớn nhân viên, thì người tự lực như em hoàn toàn xứng đáng. Nhưng đó là tôi, là người theo dõi em từ những ngày đầu chập chững, chứ với họ:
- Đoán như thần, thư ký gì ngữ ấy, bồ nhí cấp cao thôi.
Thăng chức một thời gian em chuyển đi khỏi khu trọ cũ, dù em có thể chức cao hơn tôi, hay nhiều tiền hơn em vẫn là người em nhỏ bé mà tôi từng biết. Ngày em đi, em khóc như mưa, cứ thút thít không rời, nhưng vì kinh tế cải thiện, em dần mua được một ngôi nhà nhỏ, em muốn rước mẹ lên phụng dưỡng. Bù lại, cứ cuối tuần em lại mua ít bánh ghé thăm tôi, hoặc hai chị em lang thang phố café tìm cho mình một khoảng lắng sau một tuần bận rộn. Gần đây, tôi thấy em gầy rộc hẳn đi, đôi mắt hằn sâu, hỏi thì em chỉ im lặng không nói, có nói cũng chỉ nhỏ lẻ “em không muốn nó thành vấn đề đâu, những điều không có thực không thể trở thành mối lo”.
Rồi điều gì tới cũng tới, công ty tôi nhốn nháo hẳn lên khi có màn đánh ghen của chính vợ giám đốc và nạn nhân không ai khác chính là em. Trong mớ hỗn loạn đó, tôi chỉ kịp thấy một đám bà túm tóc một cô gái trẻ, gã giám đốc oai vệ cố giằng co luôn miệng ngớt “hiểu lầm rồi” và em bơ phờ, xác xơ dưới đất. Tôi không hiểu tại sao lúc đó mình chỉ biết đứng đơ ra nhìn em, còn em, em cũng nhìn tôi, nhưng chỉ mỉm cười và vẫn như cái luật tôi đặt ra “tỏ ra không quen biết tôi”.
Sau lần đó, em nghỉ việc, cũng phải hai tháng sau tôi mới nhận được điện thoại của em. Em vẫn thế, ngây ngô hiền lành, cứ như cú sốc đầu đời ấy chỉ là một trang nhật ký buồn. Khi tôi chưa kịp cất lời em đã nói:
- Em vẫn ổn, hai tháng qua em chỉ là cần thời gian suy nghĩ. Giám đốc cũng có gọi điện xin lỗi em và vì không muốn dây dưa, nên em đổi số, chỉ nhớ mỗi số chị.
- Chị không tin em đi giật chồng người khác.
- Tất nhiên không chị ạ. Nó giúp em hiểu được mọi thứ trong cuộc sống này vốn không đơn giản. Em đã từng chấp nhận để mọi người trong công ty dè bỉu mình miễn là có lương, nhưng không nghĩ tới những hệ lụy sâu xa hơn. Em sai ở đó, hơn nữa, sự việc xảy ra mà em không giải thích rõ ràng, nên hiểu lầm và tin đồn ngày càng chồng chất...
Tai tôi như ù đi, trước mặt tôi chỉ là một cô gái trẻ, nhưng nói chuyện vô cùng già dặn, em cho rằng những gì xảy ra là một bài học, và hơn nữa, em không oán trách bất kỳ ai trong chuyện này, kể cả những người nói xấu sau lưng em, vì những câu chuyện bàn giấy là đặc thù của dân văn phòng. Em cũng nhận lỗi về mình, nhưng cũng nhờ đó em rút ra rõ ràng hơn trong cách cư xử. Và, như em nói “đó là nỗi đau đầu đời của em, nhưng nó giúp em trưởng thành hơn trong suy nghĩ”. Tôi dường như cạn lời trước em, chỉ có ân hận vì đã không đứng ra bảo vệ em trong giây phút đó. Em hiểu được và như ngăn cản lời tôi:
- Đến bây giờ, em vẫn luôn biết ơn chị, vì kiếm được việc làm đâu dễ dàng gì , hơn nữa chị vẫn luôn ở bên yêu thương và chia sẻ với em như một đứa em gái...
Cuộc nói chuyện cứ thế trôi đi, em nói rằng em sẽ vào thành phố, tìm một công việc mới và bắt đầu lại từ đầu. Không hiểu sao, đứa em gái bé bỏng ấy, tôi tin rồi em sẽ sống tốt trong cuộc đời này, dù rằng sẽ có rất nhiều khó khăn sẽ tới. Và cũng nhờ em, tôi như chợt nhận ra được đâu đó le lói về một điều tươi đẹp mà tôi đã đánh mất, vì quá dửng dưng trước cuộc sống này./.