(Baoquangngai.vn)- Rất nhiều năm sau ngày hòa bình đầu tiên, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn, vì đã “tiến về Sài Gòn” như một người hồn nhiên, lớ ngớ, nhưng lại cứ như thể mình đã biết chuyện này thế nào rồi cũng xảy đến.
Thực ra, tôi chả biết gì cả, dù tôi là một nhà báo mỗi tháng viết hàng dăm bảy bài báo cho cả hai Đài Giải phóng và Tiếng nói Việt Nam. Không biết gì cả lại hóa hay, vì mọi chuyện xảy đến đối với mình là bất ngờ, đột nhiên mình bị sự kiện cuốn trôi tuột đi, chẳng kịp chuẩn bị gì.
Nhờ hồn nhiên như thế trong những tháng ngày hòa bình đầu tiên, nên bây giờ tôi mới nhớ lại được những món ăn dân giã mình đã ăn hồi ấy, nhớ một cách rành rẽ cứ như mình được giao nhiệm vụ phải nhớ các món ăn để sau này viết lại.
Chẳng ai giao cho tôi bất kỳ nhiệm vụ nào, kể cả nhiệm vụ... nhớ các món ăn. Vậy mà nhớ. Viết ẩm thực cũng là viết chuyện đời chuyện người, không nhà văn nào viết chuyện ăn chỉ là chuyện ăn cả.
Nếu sự ngạc nhiên tạo độ “dốc”, làm nên những cú sốc bất ngờ trong bài thơ, thì tôi cũng đã từng ngạc nhiên trước bát... bún ốc. Sự giản dị nhiều khi lại là điều sau cùng ta ngạc nhiên. Và thấu hiểu. Biết ngạc nhiên về những điều giản dị là phẩm chất đích thực không chỉ của nhà thơ, mà còn của người yêu thích… các món ăn.
Trên “mặt” ấy mà xét, thì ẩm thực và thơ ca như có cùng nguồn gốc. Chúng đều là những bản tụng ca cuộc sống với đa sắc màu đa mùi vị và đều nhắm đến sự cảm nhận của người thưởng thức.
Nếu bạn đọc một bài thơ hay như ăn một bát bún ốc chợ Hàng Da, bạn sẽ cảm thấy có một niềm khoái cảm dù âm thầm hay bộc lộ, nhưng đều khiến bạn ngất ngây. Những nhà văn hay nhà thơ belles lettres thường là những người có khiếu ẩm thực.
Có điều lạ, là về khoản này, nhà văn có vẻ lấn lướt hơn nhà thơ. Chả sao, ai viết về ẩm thực cũng được, miễn viết hay, viết mà người đọc cảm thấy như đang thưởng thức những món ăn được tả, và phía sau món ăn, cảm nhận được tâm hồn của thiên nhiên, của vạn vật, cảm nhận được tình người ấm áp. Thế là được.
Ngày nhỏ, tôi rất mê văn Thạch Lam tả các món ăn, từ ăn chính tới ăn vặt, chủ yếu là ở địa bàn thủ đô Hà Nội. Lớn lên, đi chiến trường, tôi lại được đọc những bài viết về các món ngon từ Hà Nội tới các miền quê đất Bắc, do nhà văn Vũ Bằng viết.
Nếu Thạch Lam viết về ẩm thực như một nhà văn có khiếu thưởng thức tinh tế và am tường văn hóa, nhưng không lồng vào đó quá nhiều những tình cảm riêng tư của mình, thì khi đọc Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”, tôi kinh ngạc về tình cảm riêng tư ẩn rất sâu trong mỗi món ăn mà Vũ Bằng miêu tả.
Ẩm thực khi ấy, đã là một ngôn ngữ riêng để nhà văn thể hiện cho cạn đáy những thương nhớ buồn đau hay hân hoan của mình. Tôi hiểu, dường như khi viết tác phẩm này, được chạy feilleton trên báo trước rồi mới in thành sách, Vũ Bằng trong thâm tâm ông có thể nghĩ mình không còn cơ hội trở về lại Hà Nội, nên thôi thì các món ngon Hà Nội là nơi mình có thể trút cả nỗi lòng thương nhớ của mình vào.
Những món ăn khi ấy đã trở thành ký ức, thành kỷ niệm, thành người vợ yêu đang ở Hà Nội, thành cả mùi mùa thu cứ lảng vảng trong không khí dọc những con phố vắng vào đêm muộn ở Hà thành. Trong văn Vũ Bằng viết về ẩm thực, ông giành sự ngạc nhiên nhiều nhất của mình cho mùi vị.
Bây giờ thì tôi hiểu, mùi vị chính là cái cắm sâu nhất vào ký ức con người. Như mùi hoa sữa vào mùa thu trên phố Quang Trung hay phố Nguyễn Du của Hà Nội thưở tôi còn bé. Sự ngạc nhiên khi gặp một mùi vị quen thuộc cũ nhiều khi khiến ta bối rối, khiến ta như mơ như tỉnh, khiến bộ nhớ của ta đột nhiên hoạt động mạnh mẽ để rồi ra nhớ lại cả những điều nhỏ nhặt ngỡ đã quên lâu rồi. “Mùi hoa bưởi làm anh trong sạch lại”, nhiều khi, một mùi hoa lại thanh lọc được tâm hồn ta khi tình cờ nhớ lại.
Tôi đề nghị, nên tổ chức một giải thưởng văn học hàng năm trao cho những tác phẩm hay viết về ẩm thực, và giải thưởng ấy mang tên Vũ Bằng. Ông là nhà văn đã đạt tới tầm quốc tế khi viết về ẩm thực.
Và tôi nghĩ, chính giải thưởng văn học-ẩm thực mang tên Vũ Bằng sẽ tạo một sự ngạc nhiên không nhỏ. Nó là hương vị tâm hồn của sự ngạc nhiên./.