Triệu Đà và nước Nam Việt

09:01, 05/01/2010
.

Vương triều Triệu và nước Nam Việt cả trên danh nghĩa và thực chất là của người Việt, và hàng ngàn năm nay, dân Việt tự hào và khẳng định đó là vương triều và nhà nước độc lập, tự chủ của mình.

Theo biên niên lịch sử truyền thống, nước ta khởi đầu từ Nhà nước Văn Lang của 18 đời Hùng Vương (thế kỷ VII đến thế kỷ III TCN), tiếp theo đó là nước Âu Lạc của An Dương Vương (258 - 208 TCN), tiếp theo là nước Nam Việt của Triệu Đà (208 - 111 TCN).

Từ đó trở đi là thời kỳ bị phương Bắc đô hộ. Bắt đầu của quá trình đô hộ là việc nhà Tây Hán đánh tan cuộc kháng cự của Nam Việt do vương triều Triệu lãnh đạo, mà nhân vật tiêu biểu cho cuộc đề kháng đó là Tể tướng Lữ Gia.
 
Minh họa Triệu Đà cầm nỏ thần.
Minh họa Triệu Đà cầm nỏ thần.

Nước Nam Việt sau năm 111 TCN bị xóa tên và đất đai của Nam Việt bị chia làm quận - huyện, nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà Tây Hán, rồi nhà Đông Hán.

Trong quá trình đô hộ gần 1.000 năm đó luôn nổ ra những cuộc đề kháng của dân Việt như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nhà Tiền Lý, Phùng Hưng, Mai Thúc Loan... và cuối cùng là Khúc Hạo giành lại quyền tự chủ vào năm 905, mở ra kỷ nguyên mới phục hưng nền độc lập dân tộc.

Các bộ sử biên niên như Việt Sử Lược, Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm Định Việt sử thông giám Cương mục đã giành cho Nam Việt phần ghi chép trang trọng trong biên niên sử.

Đến như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng coi vương triều Triệu là một vương triều đích thực trong lịch sử dân tộc: Trải Triệu - Đinh - Lý - Trần nối đời dựng nước/Cùng Hán - Đường - Tống - Nguyên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu đời có khác nhau/Mà hào kiệt thuở nào lại thiếu...

Trong khoảng thời gian một thế kỷ, không gian lãnh thổ của Nam Việt hoàn toàn độc lập tự chủ, không bị một ách đô hộ nào của nhà Hán, cư dân Việt cùng với vương triều Triệu sống trong tự do hòa bình.

Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng đã khẳng định chắc chắn nhà Triệu hùng cứ một phương với nhà Tây Hán, không lệ thuộc vào Tây Hán, hai nhà nước cùng song hành với nhau gần suốt thế kỷ thứ II TCN.

Lãnh thổ Nam Việt là kế thừa lãnh thổ của cư dân Việt từ thuở lập quốc, riêng một cõi với lãnh thổ Tây Hán. Người Nam Việt cũng là một cư dân không lệ thuộc hay nô dịch cho cư dân Hoa Hạ của Tây Hán.

Riêng chế độ chính trị hay luật lệ của Nam Việt cũng khác xa với Hán và Hoa Hạ. Duy chỉ có việc Triệu Đà là người Chân Định (nay thuộc tỉnh Hà Bắc - Trung Quốc) là người Hán làm vua Nam Việt nên có người ngờ Nam Việt không còn của người Việt nữa và coi Nam Việt đô hộ người Việt.

Thật ra Triệu Đà bị Tần Thủy Hoàng điều xuống Lĩnh Nam, nhân cơ hội nhà Tần suy, bèn lập ra Nam Việt để tách biệt khỏi Hán, Triệu Đà và Nam Việt đã đứng về phía dân Việt mà đối chọi với sự bành trướng xâm lược của nhà Hán.

Vả lại trong chính sử của Trung Quốc họ không xếp Nam Việt vào dòng chảy lịch sử của họ, cũng không xếp Nam Việt là thuộc quốc của họ.

Nói lại một thế kỷ của Nam Việt như là một khẳng định rằng, Nam Việt là nhà nước của người Việt, độc lập - tự chủ, cho dù gốc tích Hán của vương triều Triệu cai quản quốc gia này.

Theo Bee


.