Phát huy kỹ năng tự học trong học sinh, sinh viên

02:02, 28/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kỹ năng tự học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng hiểu biết và tiếp thu kiến thức mới của học sinh, sinh viên (HS, SV).
 
[links()]
 
Rèn luyện kỹ năng tự học 
 
Trong mỗi tiết học ở trường đều bị giới hạn về thời gian. Giáo viên không thể truyền tải hết nội dung kiến thức đến HS. Vì vậy, kỹ năng tự học sẽ giúp HS tìm hiểu sâu hơn các kiến thức, từ đó dễ dàng vận dụng các kiến thức khi cần thiết. “Em tự xây dựng thời gian biểu để học tập. Sau khi học bài cũ xong, em sẽ soạn bài mới. Em dành thời gian giải lao, thư giãn sau 45 phút tập trung học", em Lương Hoàng Thảo My, HS lớp 7B, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ.
 
Em Thái Tống Quỳnh Thương, sinh viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán, dành nhiều thời gian để tự học, trau dồi kiến thức.
Em Thái Tống Quỳnh Thương, sinh viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán, dành nhiều thời gian để tự học, trau dồi kiến thức.
Còn em Phạm Công Đức, HS lớp 11B2, Trường THPT Bình Sơn cho biết, các thầy, cô giáo chủ yếu hướng dẫn và trang bị cho HS các kiến thức cơ bản. Do vậy, ngoài thời gian ở lớp, em dành thời gian để tự học ở nhà. Em tự học, nghiên cứu kiến thức liên quan đến bài học trên các trang mạng và tìm kiếm tư liệu ở một số thư viện mở... Mỗi ngày em đều cố gắng duy trì và tăng dần thời gian tự học, tự nghiên cứu để trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân.
 
Vận dụng kiến thức vào thực tiễn
 
Hiện nay, nhiều trường đại học thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ. Với phương thức đào tạo này, thời gian dạy lý thuyết giảm rất nhiều, chủ yếu yêu cầu SV tự học, tự nghiên cứu và thảo luận. Để phát huy kỹ năng tự học, tự nghiên cứu trong SV đòi hỏi giảng viên phải kích thích được nhu cầu, khơi gợi hứng thú học tập cho SV, giúp các em xác định mục đích và động cơ học tập đúng đắn; đồng thời hướng dẫn SV vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống và giải quyết những vấn đề thực tiễn.
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ngân, giảng viên ngành Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), để phát huy kỹ năng tự học của SV, giảng viên giao cho SV chuẩn bị nội dung bài thảo luận trên lớp. Sau mỗi tiết học, SV được hướng dẫn tìm hiểu kỹ hơn nội dung kiến thức thông qua các trang mạng. Trong quá trình tự nghiên cứu tài liệu, SV được giải đáp các thắc mắc vào buổi học hôm sau. “Việc tự học, tự nghiên cứu trong SV là cần thiết, giúp các em thực hiện tốt khóa luận sau này. Giảng viên định hướng đề tài để các em tham gia nghiên cứu và tham gia hướng dẫn các em cách thực hiện đề tài, hỗ trợ tài liệu... Khi nghiên cứu khoa học, SV phải tự nghiên cứu là chính", tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ngân nhấn mạnh.
 
Mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học hiện nay không chỉ truyền dạy kiến thức cho SV mà còn rèn luyện cho các em kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Điều này giúp SV rèn luyện các kỹ năng tự nâng cao kiến thức trong quá trình làm việc, kỹ năng tìm kiếm tài liệu, xử lý số liệu, kỹ năng viết báo cáo, có khả năng tạo thời gian biểu phù hợp để hoàn thành công việc đúng thời hạn... Em Thái Tống Quỳnh Thương, sinh viên năm 4, ngành Tài chính ngân hàng (Trường Đại học Tài chính - Kế toán) cho biết, em học ngành Tài chính ngân hàng nên em muốn tìm hiểu những kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, giải quyết tình huống... Bên cạnh đó, em còn học thêm ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc. Em dành nhiều thời gian tự học để bổ sung kiến thức cần thiết cho bản thân. Khi có sự chuẩn bị kỹ về mặt kiến thức chuyên môn và các kỹ năng sẽ giúp em tự tin đảm nhận các công việc sau khi tốt nghiệp. 
 
Tự học là cách tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống. Ngày nay, trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và sự bùng nổ thông tin toàn cầu, việc học tập không ngừng là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người để khẳng định giá trị của bản thân và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.