(Baoquangngai.vn) – Chỉ còn 1 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, hầu hết học sinh, phụ huynh lúng túng trong việc chọn tổ hợp 4 môn học tự chọn ở lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
[links()]
Học sinh, phụ huynh băn khoăn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 10 năm học 2022 - 2023, học sinh không phải học tất cả các môn như những năm trước mà học 8 môn bắt buộc và chọn tổ hợp 4 môn tự chọn.
Các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và Lịch sử.
Với các môn tự chọn, học sinh chọn tổ hợp 4 môn học từ 3 nhóm: Nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật). Mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Các trường đã phân các nhóm theo các tổ hợp định hướng nghề nghiệp gửi đến học sinh từ giữa tháng 7, chốt thời gian nộp đăng ký môn học tự chọn để thống kê xếp lớp. Nhiều trường cho biết không có giáo viên môn Nghệ thuật nên đành bỏ ngỏ.
Nhiều học sinh và phụ huynh lúng túng chọn tổ hợp môn học tự chọn lớp 10. |
Đến nay, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn lúng túng, băn khoăn với tổ hợp môn tự chọn trong chương trình lớp 10.
Dẫn con tới trường và xem nhóm môn tự chọn, chị Nguyễn Thị Cúc, ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), có con vừa thi đỗ vào Trường THPT Võ Nguyên Giáp “đau đầu" khi phải lựa chọn nhóm nào. “Chương trình có nhiều môn mới. Con chưa định hướng chắc được ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai nên cháu rất lúng túng chọn tổ hợp nào cho hợp lý”, chị Cúc bày tỏ.
Chọn tổ hợp môn học nào cũng đều là bài toán khó với nhiều học sinh và phụ huynh. Chị Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh có con sắp học lớp 10 tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn bối rối phải nhờ thầy, cô giáo tư vấn mới chọn tổ hợp môn theo nhóm xã hội 1 gồm các môn Địa lý, Kinh tế pháp luật, Vật lý và Tin học.
“Mình vẫn phân vân nếu vào năm học cháu thấy không phù hợp có thể chuyển sang nhóm tự nhiên khác hoặc các nhóm xã hội hay không?”, chị Tâm băn khoăn.
Tư vấn để lựa chọn tổ hợp phù hợp
Trường THPT Trần Quốc Tuấn phân thành 6 nhóm để học sinh và phụ huynh dễ tìm hiểu, lựa chọn, trong đó có 3 nhóm thuộc về nhóm tự nhiên và 3 nhóm của nhóm xã hội.
Với mỗi nhóm lớp có 3 cụm chuyên đề chính. Ví dụ nhóm tự nhiên 1 gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học. Nhóm tự nhiên 2 có Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ… Riêng môn Tiếng Anh tất cả các nhóm lớp đều học như nhau, số lượng 3 tiết/tuần.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Nguyễn Thái An cho biết, đây là năm đầu tiên thực hiện việc chọn môn học tự chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường rất cân nhắc phân thành 6 nhóm giúp học sinh và phụ huynh dễ hiểu và lựa chọn.
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn sau giờ tan trường! |
Để phân ra 6 nhóm như trên, nhà trường đã họp bàn bạc rất kỹ trong Ban Giám hiệu cũng như tập thể giáo viên nhà trường. Trường đã tập trung học sinh khối 10 hướng dẫn trực tiếp, gửi thư về cho phụ huynh. Sau khi chốt hạn đăng ký, trường sẽ thống kê gửi thông báo lại một lần nữa cho học sinh trước khi xếp lớp theo nguyện vọng đã đăng ký.
Trường THPT Chuyên Lê Khiết cũng đã tập trung học sinh lớp 10 để tư vấn, hướng dẫn các em lựa chọn môn học, lựa chọn chuyên đề học tập. Mỗi học sinh được lựa chọn 2 nguyện vọng. Ví dụ, lớp chuyên Toán được được lựa chọn 2 nguyện vọng là tự nhiên 1 và tự nhiên 2. Nguyện vọng nào thích nhất các em sẽ đưa lên nguyên vọng 1.
Khi thi vào các lớp chuyên, học sinh đã có định hướng thiên về tự nhiên hay xã hội. Thực tế việc sắp xếp lớp theo nhóm tự nhiên 1, tự nhiên 2 hay xã hội 1, xã hội 2 gây khó khăn cho trường do chênh lệch số lượng đăng ký.
Thực tế cũng có học sinh trúng tuyển lớp chuyên Ngữ văn, Lịch sử lại chọn qua tổ hợp khoa học tự nhiên. Ngược lại có em thi đỗ vào lớp chuyên Sinh lại chọn qua tổ hợp qua tổ hợp xã hội.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Trần Quang Hồng, nhà trường căn cứ vào nguyện vọng đăng ký của học sinh để xếp lớp, trên tinh thần là đáp ứng tối đa nhu cầu cho người học, tuy nhiên phải phù hợp với điều kiện của nhà trường.
“Quan điểm của trường là đưa ra các tổ hợp có tính dung hòa, không cách biệt nhau nhiều để khi các em muốn thay đổi chỉ cần tự học 1 môn học là có thể đáp ứng được”, thầy Trần Quang Hồng chia sẻ.
Bài, ảnh:
ÁI KIỀU