(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2022 - 2023, học sinh (HS) lớp 10 sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và được tự chọn nhiều môn học (thay vì học tất cả các môn như hiện nay), trong đó có môn Lịch sử.
[links()]
Năm học 2022 - 2023, dự kiến môn Lịch sử sẽ là môn học tự chọn đối với học sinh lớp 10. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học. |
Việc đưa môn Lịch sử vào môn học tự chọn khiến nhiều người lo ngại sẽ có ít HS lựa chọn môn học này. Theo giảng viên Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Lý luận chính trị (Trường Đại học Tài chính - Kế toán), Lịch sử không nên là môn học tự chọn trong bậc THPT mà phải là môn học bắt buộc. Môn Lịch sử phải có vị trí xứng đáng với tầm quan trọng của nó, vì giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử của dân tộc. Thầy giáo Lê Văn Phương- Tổ trưởng tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cũng cho rằng, môn Lịch sử có tầm quan trọng không thể thiếu trong bậc học phổ thông. Đối với THPT, học môn Lịch sử giúp HS hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc và thế giới, góp phần giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, ứng xử xã hội...
Em Phạm Thị Phương, lớp 10 A02, Trường THPT Số 1 Tư Nghĩa chia sẻ, việc học môn Lịch sử lâu nay còn nặng về lý thuyết, số liệu cần ghi nhớ rất nhiều. Do đó, nhiều HS rất ngại học môn này. Theo em Nguyễn Võ Hoàng Nhân, lớp 12 chuyên Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, thì Lịch sử là một môn học rất ý nghĩa vì giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Lịch sử không phải là môn học khô khan, mà có thể do cách truyền đạt từ một số giáo viên chưa tạo hứng thú cho HS.
Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc sắp xếp các môn học trong Chương trình GDPT 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới ở cấp THPT. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực... Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục có những biện pháp định hướng hỗ trợ HS chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử
Theo thầy giáo Lê Văn Phương - Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để HS hứng thú khi học môn Lịch sử. Muốn vậy thì phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh dạy lý thuyết cần kết hợp với thực hành bằng cách tổ chức cho HS tìm hiểu lịch sử tại các di tích lịch sử, bảo tàng, tổ chức các cuộc thi như “Rung chuông vàng”, tìm hiểu lịch sử Việt Nam...
Chị Nguyễn Lệ Phụng, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), có con đang học lớp 9 cho biết, tôi sẽ định hướng cho con lựa chọn môn học mà con yêu thích. Theo tôi, giáo viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy đối với môn Lịch sử, xem xét lại chương trình giảng dạy; hình thức kiểm tra, đánh giá không nên quá nặng nề… để HS thích học môn Lịch sử thay vì cảm thấy áp lực trước môn học này.
|
Bài, ảnh:
KIM NGÂN