Hỗ trợ giáo dục bằng tranh vẽ tường

09:04, 04/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tại các trường mầm non, những bức tường đơn điệu được thay bằng những bức bích họa đầy màu sắc, hình ảnh sinh động, không chỉ tạo nên không gian thân thiện, gần gũi mà còn được sử dụng hiệu quả trong hoạt động giáo dục trẻ.
[links()]
Trong giờ kể chuyện, các bé học lớp Lá 1, Trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) chăm chú lắng nghe câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” qua giọng kể trầm ấm của cô giáo. Vừa kể, cô vừa chỉ vào bức tranh minh hoạ trên tường để trẻ có thể hình dung ra nhân vật và nội dung câu chuyện... Cô giáo Phạm Thị Kim Anh cho rằng, hình ảnh minh hoạ là một phương pháp giáo dục trực quan sinh động, giúp trẻ như hòa mình vào không gian tuổi thơ đầy màu sắc, kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ.
 
Học sinh Trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) nghe cô giáo kể chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” với hình vẽ minh hoạ.
Học sinh Trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) nghe cô giáo kể chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” với hình vẽ minh hoạ.
Đối với lứa trẻ mầm non, tranh tường không chỉ đem lại nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, mà còn mang đến cho trẻ cảm xúc và nhiều điều bổ ích. Mỗi hình ảnh được vẽ trên tường đều được lựa chọn kỹ lưỡng để hỗ trợ cho công tác giáo dục. Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh Tân Thị Cẩm Hương cho biết, những bức tranh tường thường là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với trẻ thơ như các nhân vật hoạt hình, thế giới động vật, hoa lá, thiên nhiên, minh họa hình ảnh các câu chuyện cổ tích, các bài thơ, bài hát có trong chương trình dạy... Đầu năm học này, ban giám hiệu và giáo viên trao đổi, dựa vào nội dung, chủ đề dạy học để thống nhất, chọn vẽ các bức tranh tường phù hợp.
 
Qua bàn tay của các cô giáo, những bức tường cũ đã được thay mới bởi những hình vẽ tươi sáng, đầy sắc màu, hình ảnh. Những góc hành lang, sân bê tông vốn khô khan cũng trở thành những cánh đồng quê hay vườn cây xanh mướt bằng hình vẽ. Những hình ảnh đa dạng, phong phú mới thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ đam mê đến trường, đến lớp.
 
“Các chủ đề vẽ trên tường cũng cần phù hợp với từng khu vực, góc hoạt động và độ tuổi của trẻ. Khu vực từ cổng trường vào là bức tranh liên quan đến lễ giáo, hình cô giáo và trẻ để tạo sự gần gũi, tương tác giữa cô và bé; khu vực cầu thang có bức tranh về tình bạn; khu vực hoạt động thể chất thì có các bức tranh về các môn thể thao, vận động ngoài trời, các trò chơi dân gian...”, cô Hương nhấn mạnh.
 
Trang trí lớp học, trường học là một hoạt động không thể thiếu của giáo viên các trường mầm non. Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Sương, thay vì hằng ngày phải đối diện với những bức tường đơn điệu, thì nhà trường đã có ý tưởng tạo ra một không gian có hồn, sinh động. Những hình vẽ trên tường không đơn thuần là để trang trí, mà còn là hình thức giúp trẻ nhận biết và phân biệt được từ hình ảnh đến màu sắc, hình khối. Các bức tranh gắn với các chủ đề được phỏng theo các bài học trên lớp không chỉ làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho trường, lớp, mà còn giúp cho trẻ nhận thức, tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, sâu sắc và dễ nhớ...
 
Bài, ảnh: TR.ÂN
 
 
 

.