(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh, dạy và học trong năm học 2021 - 2022, các trường cao đẳng nghề đã triển khai nhiều phương án tuyển sinh và giảng dạy trực tuyến.
[links()]
Tuyển sinh trực tuyến
Ngay từ đầu năm 2021, công tác tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022 của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất đã được triển khai. Năm học này, nhà trường xét tuyển 800 chỉ tiêu; trình độ cao đẳng và sơ cấp đều có 18 chuyên ngành; trình độ trung cấp 14 chuyên ngành. Đặc biệt, trình độ cao đẳng có 4 chuyên ngành chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Pháp và Đức. Trong điều kiện dịch bệnh, trường đã chuyển sang tuyển sinh trực tuyến. Thay vì đến trường nộp hồ sơ, thí sinh sẽ điền thông tin trên website của trường, kèm theo ảnh chụp các giấy tờ, bằng cấp. Chỉ đến khi trúng tuyển, người học mới đến trường nộp hồ sơ gốc để đối chiếu, nhập học.
“Từ tháng 6 đến nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp; đồng thời, khu ký túc xá của nhà trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung và nay là Bệnh viện dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh. Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch, nhà trường đã tuyển sinh trực tuyến”, Trưởng phòng Tuyển sinh, Việc làm và Truyền thông (Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất) Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt cho biết.
Năm học 2021 - 2022, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi cũng áp dụng hình thức tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp thông qua website trường, trang fanpage trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... Với hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng, đến nay, trường đã tiếp nhận 364 hồ sơ, trong đó có nhiều hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến.
Đa dạng phương pháp dạy học
Không chỉ thay đổi phương án tuyển sinh, hầu hết các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học phù hợp.
Một tiết học trực tuyến của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. |
Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi đã bắt đầu học trực tuyến từ ngày 16/8. “Trường đã triển khai hình thức học trực tuyến từ học kỳ II, năm học 2020 - 2021. Năm học này, nhà trường đã có Quy chế về đào tạo và thi trực tuyến. Đối với phần học thực hành, trường cũng đã có phương án cho phần thao tác trên thiết bị gửi cho học viên tham khảo, tùy vào tình hình dịch sẽ chia nhóm từ 3 - 5 học viên để thực tập trực tiếp tại xưởng”, cán bộ phụ trách Trung tâm Tuyển sinh - Việc làm và Dịch vụ (Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi) Nguyễn Chí Thành thông tin.
Theo một số trường nghề, để tăng khả năng tiếp cận bài học, các tài liệu, video phục vụ việc học được các trường đăng tải trên mạng để học viên ở khắp mọi nơi đều có thể dễ dàng tiếp cận. Theo bà Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt, trường cũng khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo khoa, khóa học trên website của trường, hoặc các trang mạng xã hội. Thường xuyên giữ liên lạc với học sinh, sinh viên để cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn học tập trong điều kiện không học tập trung tại trường.
Còn khó khăn
Việc dạy học trực tuyến đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện gặp không ít bất cập. Một số học sinh, sinh viên điều kiện khó khăn như không có các thiết bị, hoặc không có mạng Internet, nên chưa thể tiếp cận được cách học trực tuyến. Đồng thời, học trực tuyến khiến nhiều trường nghề gặp khó, bởi nội dung thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo.
|
Bài, ảnh: VŨ YẾN