Bảo vệ an toàn cho trẻ trên môi trường mạng

10:09, 20/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều phụ huynh lo lắng khi con học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi trẻ tiếp cận môi trường mạng.
[links()]
 
Nhiều nỗi lo
 
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên học sinh (HS) từ bậc tiểu học đến THPT ở các trường học trong tỉnh chuyển sang học trực tuyến. Đây là giải pháp tình thế, tuy nhiên nhiều phụ huynh lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi trẻ tiếp cận môi trường mạng. Một số phụ huynh lo ngại khi trẻ ngồi lâu trước màn hình máy tính hay thiết bị di động thông minh sẽ ảnh hưởng đến mắt, nhất là đối với HS tiểu học.
 
Phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở để trẻ học trực tuyến tại nhà đảm bảo an toàn. (Ảnh minh hoạ)
Phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở để trẻ học trực tuyến tại nhà đảm bảo an toàn. (Ảnh minh hoạ)
Nhiều phụ huynh sợ rằng con trẻ lần đầu tiên tiếp cận môi trường mạng nên sẽ tò mò, tìm cách khám phá "thế giới ảo", nhất là các trang mạng đăng tải hình ảnh, nội dung xấu độc, nếu thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn. Chị N.T.H, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho biết, hai con của tôi (lớp 3 và lớp 8) đều học trực tuyến vào giờ hành chính, bố mẹ đi làm nên không có người lớn ở nhà quản lý, nhắc nhở các cháu. Dù đã dặn con chỉ dùng máy vi tính, điện thoại vào việc học, nhưng tôi vẫn rất lo lắng vì các cháu còn nhỏ, đôi khi chưa ý thức được việc tốt, xấu, nếu lỡ vào các trang mạng có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm, sinh lý của trẻ.
 
Gần gũi, giải thích để trẻ hiểu  
 
Việc HS tiếp cận công nghệ thông tin, truy cập Internet sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, việc trẻ sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, truy cập Internet lại trở thành nỗi lo của các bậc cha mẹ nếu chẳng may con ham chơi, chưa ý thức được việc học dẫn đến nghiệm game, truy cập vào các trạng mạng có nội dung xấu độc...  
 
Theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ nên trao đổi cởi mở với con, làm bạn cùng con, dành thời gian để lắng nghe con trẻ tâm sự về việc học tập trực tuyến cũng như các mối quan hệ của trẻ trên môi trường mạng, từ đó định hướng, giáo dục con tốt hơn.
 
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Quang Nghĩa cho rằng, các bậc phụ huynh nên dành thời gian phân tích, hướng dẫn để trẻ hiểu và biết cách khai thác tiện ích từ Internet, chủ động phòng tránh nguy cơ mất an toàn. Giáo dục để trẻ cẩn trọng trong việc trao đổi, thiết lập các mối quan hệ trên môi trường mạng, nhất là với người lạ. "Bố mẹ cần đưa ra quy tắc sử dụng thiết bị điện tử đối với con trẻ; có thể cài đặt các phần mềm để theo dõi, kiểm soát trẻ sử dụng các thiết bị di động thông minh; hướng dẫn trẻ cách thức cài đặt quyền riêng tư, bảo mật thông tin và khai thác tài nguyên học tập trực tuyến an toàn... Ngoài ra, cần lưu ý trẻ việc sử dụng chế độ camera, micro trên các thiết bị máy vi tính, điện thoại thông minh để đảm bảo an toàn, tránh lộ lọt thông tin cá nhân", ông Nghĩa nhấn mạnh.
 
 
Cách bảo vệ mắt khi trẻ học trực tuyến
 
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Vũ - Phó trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), việc tiếp xúc với điện thoại, máy vi tính liên tục trong thời gian dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến mắt của trẻ như mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), bệnh lý. Do vậy, khi học trực tuyến, HS cần ngồi đúng tư thế và giữ khoảng cách phù hợp giữa màn hình thiết bị đến mắt. Sau mỗi tiết học nên cho mắt nghỉ từ 5 - 10 phút và trong thời gian này nên ra ngoài vận động vừa phải nhìn xa để mắt được thư giãn. "Ngoài giờ học trực tuyến, học sinh không nên sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game, giải trí, mà cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Cần bổ sung một số vitamin và vi chất dinh dưỡng tốt cho mắt như Vitamin A, Vitamin C, Vitamin E, Lutein và axit béo Omega...", Bác sĩ Vũ khuyến cáo.
 

 

P.LÝ  -  TR.ÂN
 
 
 

.