(Báo Quảng Ngãi)- Nhận thấy nội dung học tập môn lịch sử địa phương chưa thật lôi cuốn, nên nhiều học sinh cảm thấy chưa hứng thú, yêu thích, các em Phạm Nguyễn Hoàng Ngân (lớp 9) và Nguyễn Thùy Dương (lớp 8), học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) đã nghiên cứu, thực hiện dự án “Giải pháp giúp học sinh phát huy hứng thú học tập môn lịch sử địa phương ở bậc THCS”. Dự án này đã đoạt giải Nhất của Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2020 - 2021.
[links()]
Em Nguyễn Thùy Dương (phải) và em Phạm Nguyễn Hoàng Ngân với bảng dự án "Giải pháp giúp học sinh phát huy hứng thú học tập lịch sử địa phương ở bậc THCS". |
Để thực hiện dự án, Ngân và Dương đã đề xuất nhà trường, giáo viên bộ môn hỗ trợ tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu liên quan đến lịch sử vùng quê cách mạng Mộ Đức; thực hiện khảo sát nhận thức của học sinh về vai trò của việc học lịch sử địa phương, để rút ra nguyên nhân, đưa ra các giải pháp thông qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có giải pháp tăng cường hình thức giảng dạy tích hợp, lồng ghép lịch sử địa phương trong các tiết học bộ môn Lịch sử; triển khai các hoạt động trải nghiệm như lập bộ sưu tập, đóng kịch, vẽ tranh, thuyết trình; tổ chức các hoạt động ngoại khoá tìm về địa danh, di tích lịch sử.
“Sau khi tiến hành khảo sát, chúng em đã kết hợp với nhà trường, giáo viên bộ môn Lịch sử tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Ban đầu, dự án gặp nhiều khó khăn do tư liệu lịch sử còn hạn chế, nhưng sau thời gian ngắn, các bạn học sinh đã cùng nhau tích cực đưa ra những thông tin hay, bổ ích, giúp các tiết học về lịch sử quê hương Mộ Đức trở nên hấp dẫn, sinh động hơn”, em Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.
Không chỉ đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới việc học môn lịch sử địa phương, Ngân và Dương còn thành lập Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử địa phương” trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó, học sinh bậc THCS trên địa bàn huyện Mộ Đức dễ dàng cập nhật, trao đổi, chia sẻ những thông tin bổ ích về những người con anh hùng và nhiều chiến công của nhân dân huyện Mộ Đức qua các thời kỳ cách mạng.
Cô Trần Thị Phúc Nguyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Trãi nhận xét: “Những giải pháp phát huy hứng thú học môn lịch sử địa phương của em Ngân và Dương bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực. Học sinh thấy hào hứng khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử quê hương. Đây là cơ sở để nhà trường, giáo viên tiếp tục ứng dụng, đổi mới phương pháp giảng dạy mang tính trải nghiệm, để môn học Lịch sử địa phương ngày càng hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong học sinh”.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU