(Baoquangngai.vn)-
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: "Học không bao giờ cùng". Nhớ mãi lời dạy giản dị nhưng sâu sắc ấy, nên chưa bao giờ vợ chồng ông Phan Thanh Tâm ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) lơ là chăm lo việc học tập của các con.
[links()]
Bên ly trà ấm ngày đầu Xuân Tân Sửu, ông Phan Thanh Tâm 65 tuổi, ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn vui vẻ lần kể về cuộc đời mình. Với ông, cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, nhưng điểm nhấn sâu đậm nhất chính là dù có khổ đến mấy, ông vẫn luôn nhắn nhủ với con mình, phải học thì mới thành tài, mới thoát khỏi cơ cực.
Sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, sau khi tham gia đi bộ đội, rồi xuất ngũ về địa phương, năm 1986, ông Tâm lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dũng cùng quê. Cuộc sống gia đình rất khó khăn do 2 vợ chồng chỉ sống dựa vào nghề nông. Kinh tế lại ngày càng eo hẹp khi lần lượt 4 đứa con trai ra đời.
Để trang trải cuộc sống, ông Tâm ra sức lao động cật lực, từ chăn nuôi bò, gà, heo, trồng lúa, rồi trồng rau màu. Ngày nắng cũng như ngày mưa, 2 vợ chồng ông vất vả lo vườn tược, heo, gà để kiếm tiền cho con ăn học. Cả 4 người con trai được nuôi lớn từ mảnh vườn bạc màu và những giọt mồ hôi dầm sương dãi nắng của vợ chồng người nông dân.
Vợ chồng ông Tâm nuôi dạy 4 người con ăn học từ nghề nông vất vả |
Với họ, niềm an ủi duy nhất lúc ấy, chính là cả 4 người con đều khỏe mạnh, chăm chỉ học hành. Ông Tâm chia sẻ: “Vợ chồng tôi luôn động viên nhau ra sức làm việc và nhắc nhau hiểu rằng, chỉ có cách cho các con học tập tốt thì sau này các con mới không khổ, tự lập quyết định số phận của mình”.
Có lẽ vì thấu hiểu, thương cho sự cơ cực của ba mẹ, nên 4 người con trai của ông đều đạt được nhiều thành tích đáng nể, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng các con lớn dần, nỗi lo của bậc cha mẹ lại càng lớn thêm. Bởi, khi các con lần lượt vào đại học, cao đẳng và trường nghề là lúc vợ chồng ông phải ra sức lao động gấp nhiều lần hơn trước để có tiền đóng học phí.
Mỗi khi con có giấy báo trúng tuyển, vợ chồng ông vừa mừng lại vừa lo. Nhưng thấy con quyết tâm học nên vợ chồng ông lại chạy vạy vay mượn bà con, người quen. Được vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện theo chương trình vay vốn sinh viên cho con ăn học là đều mà ông Tâm vô cùng cảm kích.
Sau bao năm vất vả dạy dỗ, vợ chồng ông Tâm đã thu được trái ngọt từ hành trình đi tìm kiến thức của các con. Cả 4 người con trai đã tốt nghiệp và tự lựa chọn cho mình một công việc phù hợp. Người là kỹ sư ngành điện, người khác làm kỹ sư ngành công nghiệp nặng, bác sĩ và dược sĩ.
Bao nhiêu năm nuôi dạy các con ăn học thành tài, chưa bao giờ vợ chồng ông Tâm than vãn. Dù khó khăn, vất vả nhưng gia đình ông luôn hòa thuận, mọi người đều rất mực yêu thương và tôn trọng nhau. Các con đã nên người, có công ăn việc làm ổn định, con cái cũng khuyên vợ chồng ông hãy bớt công việc, để thư giãn nghỉ ngơi. Nhưng vợ chồng ông vẫn còn say mê với công việc đồng áng, ruộng vườn.
Ông tâm sự: “Mình còn sức khỏe thì còn làm, chưa muốn làm phiền con cái. Lúc nào tôi cũng muốn các con tôi sống và làm việc tử tế và nên người với xã hội”. Đó là lời mong mỏi tận sâu trong đáy lòng của đấng sinh thành đối với những đứa con của mình. Cha mẹ nào cũng mong ước con mình được học hành và được thành đạt như bao người khác.
Con đường bê tông rộng rãi được hình thành từ sự đóng góp tiền và ngày công của gia đình ông Tâm |
Không chỉ được biết đến là người nuôi con ăn học thành đạt, ông Tâm còn tham gia công tác ở địa phương, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, gia đình ông đã hiến 150 mét vuông đất, đóng góp 11 triệu đồng và ngày công để làm đường bê tông giao thông nội xóm.
Gia đình ông vinh dự được UBND xã công nhận gia đình văn hóa 15 năm liền, được các cấp khen thưởng Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc hơn 8 năm; được bình chọn, biểu dương, nhân rộng điển hình Những tấm gương bình dị mà cao quí trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh của xã Tịnh Sơn.
Chia tay gia đình ông Phan Thanh Tâm, cái nắng ấm ngày xuân tràn ngập bên dòng sông Trà hiền hòa. Cùng với mùa xuân, tinh thần hiếu học của gia đình ông Tâm và nhiều gia đình khác đã và đang khởi sắc, nở rộ ở khắp vùng miền. Chính hương sắc mùa xuân về sự hiếu học ấy đã mang đến cho mùa xuân thêm niềm tin, hy vọng, hứa hẹn có nhiều đổi thay trên từng làng quê.
Bài, ảnh: Thu Kim