Xây dựng môi trường giáo dục an toàn

10:01, 22/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường là vấn đề cần được các cơ sở giáo dục lưu tâm, để học sinh "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". 
[links()]
Cần cộng đồng trách nhiệm 
 
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh (HS) ứng xử văn hóa. Học sinh được đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực... 
Cô và trò Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) trong giờ học.
Cô và trò Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) trong giờ học.
Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn cho hay: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1137 triển khai nội dung Nghị định 80 của Chính phủ về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định này ở các trường học còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng. Nghị định 80 quy định rất rõ các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em... Các cơ sở giáo dục phải có khuôn viên cổng trường, tường rào, hàng rào, sân trường, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện, có công trình vệ sinh, nước sạch...
 
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, để xây dựng trường học an toàn đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội. Dạy trẻ không chỉ bằng lời nói mà quan trọng hơn là giúp trẻ hình thành nhân cách qua nền nếp, thói quen trong môi trường sư phạm và tấm gương của nhà giáo đem lại.  
 
Phát huy hiệu quả các tổ tư vấn
 
Để giáo dục nhân cách HS cần sự nỗ lực rất lớn từ phía nhà trường. Các trường phải chú trọng công tác tư vấn cho HS. Hiện nay, nhiều trường đã thành lập các tổ tư vấn gồm lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên phụ trách và các chuyên gia là phụ huynh của trường. Đầu năm, các tổ tư vấn khảo sát nhu cầu của HS để xây dựng kế hoạch tư vấn.
 
Tại Trường Tiểu học An Hải (Lý Sơn), HS đã dần quen với việc chia sẻ những băn khoăn, lo lắng thông qua Hộp thư "Điều em muốn nói". Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học An Hải Phạm Văn Trinh là người đưa ra ý tưởng thực hiện mô hình này. Mô hình được nhà trường triển khai từ năm 2019. Thầy giáo Phạm Văn Trinh chia sẻ: Ban đầu các em còn rụt rè nhưng về sau mạnh dạn trao đổi những vấn đề khó nói trong cuộc sống lẫn học tập. Giáo viên chủ nhiệm, bí thư chi đoàn cùng tham gia tổ tham vấn để động viên, giúp HS giải đáp những thắc mắc và giải quyết những vấn đề khó. Qua thư trình bày, tổ tham vấn trực tiếp làm việc với các em có biểu hiện chưa tốt để kịp thời điều chỉnh hành vi, hướng các em đến sự phát triển toàn diện.
 
Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Hoàng Văn Thụ (TP.Quảng Ngãi) Võ Thị Thu Cúc chia sẻ: Trường có nhiều HS cá biệt. Có phụ huynh ít quan tâm đến con em, dẫn đến các em thiếu thốn tình cảm. Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc gần gũi, sẻ chia với các em. Nhà trường thay đổi trong cách nhận xét, đánh giá HS, không kiểm điểm như trước, mà thay vào đó là thấu hiểu, giúp các em nâng cao nhận thức để có hành vi đúng. Điều này đã mang đến hiệu quả tích cực, các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp và học tập.
 
Theo bà Trần Thị Kim Nhạn, việc xây dựng trường học an toàn không chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử trường học, mà phải giáo dục những quy tắc đó cho HS. Các nhà trường phải lồng ghép giáo dục tùy từng cấp học cho phù hợp. Thời gian đến, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng điểm lớp học hạnh phúc, theo đó các em tự xây dựng bộ quy tắc cho lớp và triển khai thực hiện.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.