(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm qua ngành giáo dục Quảng Ngãi đã từng bước khắc phục khó khăn, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trong năm 2020 bức tranh giáo dục Quảng Ngãi đã có những điểm nhấn ấn tượng.
[links()]
Thành công rõ nhất là sự chuyển dịch trọng tâm vào chiều sâu chất lượng trong quản trị trường học. Cùng với đó là phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần hiếu học trong cộng đồng, dòng họ và trong mỗi gia đình, nhằm tạo sự phát triển bền vững trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Dịch chuyển mục tiêu
Mục tiêu phát triển giáo dục trên diện rộng của tỉnh cơ bản đã đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, ngành đã dịch chuyển trọng tâm vào chiều sâu, hướng đến chất lượng và các mũi nhọn giáo dục, tạo sự đột phá trong quản lý dạy và học; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, tạo nền tảng phục vụ công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT cũng như việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Hiện nay, mỗi cơ sở giáo dục đều xác định được sứ mệnh của mình, không ngừng phấn đấu, luôn có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đã đỗ vào các trường đại học uy tín trong và ngoài nước đạt và vượt chỉ tiêu”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết.
|
Các nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. |
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, toàn ngành giáo dục đã tập trung mở rộng và đa dạng hóa hệ thống giáo dục, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, xác định mũi nhọn là đào tạo nguồn nhân lực phổ thông chất lượng cao. Nổi bật là Trường THPT chuyên Lê Khiết, nơi cung cấp hàng nghìn học sinh có chất lượng cao cho các trường đại học, cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.
Đột phá trong quản lý
Đổi mới công tác quản lý giáo dục để tạo sự đột phá trong phát triển GD&ĐT được khởi đầu từ đổi mới về quan điểm, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý.
Trường THPT Trần Quốc Tuấn luôn là lá cờ đầu của tỉnh trong công tác dạy và học. Trường đã khẳng định được thương hiệu, uy tín, tạo niềm tin trong xã hội. Nhà trường luôn xác định quản trị trường học đóng vai trò quyết định trong đổi mới giáo dục. Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Đinh Duy Quang cho rằng: Người quản trị trường học phải thường xuyên giữ mối quan hệ với phụ huynh học sinh, giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, giữa nhà trường với học sinh. Nếu mối quan hệ này không tốt sẽ phá vỡ mối liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đổi mới quản lý theo mô hình quản lý dựa vào nhà trường có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Các trường học đang đứng trước cơ hội và cũng là thách thức khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. “Nhà trường được giao quyền tự chủ trong chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Việc triển khai giảng dạy theo chương trình phổ thông mới diễn ra thuận lợi, được giáo viên, phụ huynh học sinh tích cực hưởng ứng”, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Thanh Diệu cho hay. Trường Tiểu học Nghĩa Chánh đã chú trọng chọn lựa đội ngũ giáo viên tham gia tập huấn giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới, tạo điều kiện để giáo viên học hỏi chuyên môn nghiệp vụ nhằm tiếp cận nhanh nhất những đổi mới có tính nguyên tắc thể hiện trong chương trình và sách giáo khoa mới, linh hoạt trong giảng dạy, phù hợp với điều kiện của địa phương...
Xây dựng xã hội học tập
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc triển khai thực hiện nhân rộng các mô hình học tập ở tỉnh ta đã đạt kết quả đáng khích lệ. Sự phát triển các mô hình học tập trong tỉnh đã góp phần đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân, phát triển giáo dục toàn diện...
Toàn tỉnh hiện có 175 trung tâm học tập cộng đồng. Hằng năm, hội khuyến học các cấp trong tỉnh chú trọng mở các lớp học thu hút đông đảo người dân tham gia. Các lớp học tại trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao dân trí về các vấn đề pháp luật, dân số, môi trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các vấn đề an sinh xã hội... Trên 80% số người học đã phát huy tốt như ngành may mặc, xây dựng, điện dân dụng, thuyền trưởng, máy trưởng, trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn...
“Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động trực tiếp đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương. Qua đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân về phong trào học tập được nâng cao; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được người dân hưởng ứng tích cực, tạo phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG