(Báo Quảng Ngãi)- Việc học là quan trọng, nhưng thay vì là người bạn đồng hành, khơi gợi sự yêu thích của con trẻ trong học tập, thì một số bậc phụ huynh lại tạo áp lực, dẫn đến trẻ sợ đi học.
[links()]
Hãy đồng hành cùng con
Ngay sau khi kết thúc học kỳ I, năm học 2020 - 2021, các trường tổ chức họp phụ huynh ở các khối lớp để thông báo tình hình học tập của học sinh. Với những ông bố, bà mẹ thường xuyên theo dõi, đồng hành cùng con trẻ trong việc học, thì không có gì bất ngờ khi giáo viên thông báo kết quả học tập của con, bởi lẽ họ biết rõ lực học của con mình.
Anh N.T.L, có con học lớp 7 ở TP.Quảng Ngãi cho biết: "Con tôi đạt danh hiệu tiên tiến, cháu hơi buồn vì thấy bạn bè đạt loại giỏi. Tôi động viên con không có gì phải buồn, vì con đã rất cố gắng, ba mẹ không ép buộc con phải giỏi cho bằng bạn này hoặc bạn kia, miễn là con luôn nỗ lực trong học tập".
|
Các bậc phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ và động viên con học tập theo khả năng, sở thích của các em. |
Trong khi đó, nhận được kết quả học tập của con trai (lớp 9) trong học kỳ I, năm học 2020 - 2021, cả gia đình anh N.V.H, ở huyện Mộ Đức đều "bàng hoàng". Cháu từ một học sinh chăm ngoan, học giỏi tụt xuống hạng trung bình, lại còn bị phê bình là theo các học sinh khối lớp lớn tham gia đua xe... Anh H chia sẻ: "Vợ chồng tôi lo đi làm kiếm tiền, vất vả cũng chỉ để thực hiện mong ước cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Cứ nghĩ con chăm ngoan, đi thưa về trình rất lễ phép, có ngờ đâu cháu lại bị bạn bè xấu lôi kéo".
Vợ anh H la mắng con vì học tập giảm sút, nhưng anh H thì ngược lại, luôn bên cạnh động viên, nhẹ nhàng phân tích để con hiểu rõ đâu là vấn đề đúng, sai. Từ hôm đi họp phụ huynh về, anh H theo dõi sát việc học của con, hằng ngày đều sắp xếp thời gian để đưa đón con, không để cháu tự đi như lúc trước. "Mình phải biết tâm lý từng lứa tuổi. Đối với con tôi, nếu mà đánh thì chỉ khiến thằng bé nổi loạn thêm. Cháu chuẩn bị thi vào lớp 10, tôi rất lo nên phải dành thời gian ở bên cạnh nhắc nhở con học tập", anh H tâm sự.
Đừng ép con theo ý mình
Một giáo viên chủ nhiệm còn chia sẻ tại cuộc họp phụ huynh rằng: Giáo viên xem học trò như con của mình, luôn nỗ lực để dạy tốt và động viên, khuyên bảo học sinh học tập tốt. Tuy nhiên, cả thầy cô giáo và phụ huynh cần phải hiểu tâm lý của trẻ để việc giáo dục đạt hiệu quả. Các phụ huynh không nên tạo áp lực cho con mình. Có học sinh đã tâm sự với cô giáo rằng: Học ở trường con thấy thoải mái, nhưng khi về nhà con rất áp lực, sợ bị bố mẹ la mắng vì có môn học chưa đạt điểm 9, 10. Thậm chí có em còn nhờ cô giáo nói giúp với bố mẹ là đừng ép buộc con phải học theo đúng ý của phụ huynh, hãy để con học theo khả năng của mình.
Có không ít bậc phụ huynh giận dữ, đánh đập con khi kết quả học tập của con không đạt như ý mình muốn, thậm chí còn "đề ra chỉ tiêu" cho con sang học kỳ II phải hơn bạn hoặc phải đạt điểm 9, 10... Điều đó khiến cho không ít đứa trẻ thêm mệt mỏi trong việc học, thậm chí là gieo rắc vào suy nghĩ của trẻ những điều không tốt.
Nhắc nhở, quan tâm đến việc học của con là việc nên làm vì ai cũng muốn con mình học tập tốt, nhưng cũng đừng áp đặt suy nghĩ của bố mẹ vào con trẻ và buộc chúng phải làm theo. Các bậc phụ huynh nên biết thực lực, năng khiếu của con để có sự định hướng, giúp trẻ tự mình thấy yêu thích việc học, từ đó nỗ lực học tập trong tâm thế thoải mái, hứng khởi để đạt kết quả cao, như thế sẽ tốt hơn cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bài, ảnh: PV