Nhọc nhằn con chữ nơi vùng cao

10:09, 29/09/2020
.
(Baoquangngai.vn)-  Lớp học lợp bằng tôn, vách tường là những tấm lồ ô đan lại với nhau... Khó khăn là vậy, nhưng bao nhiêu năm qua, cô và trò tại điểm trường lẻ thôn Môn, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng vẫn cùng nhau vượt qua để tiếp cận với con chữ. 
Giữa muôn trùng núi, chúng tôi tìm đến điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Trà Thanh ở thôn Môn, xã Trà Thanh vào một ngày cuối tháng 9. Điểm trường nằm chênh vênh trên lưng chừng đồi với 3 phòng học, gồm 2 phòng học được xây dựng kiên cố và một phòng học tạm làm bằng lồ ô hiện lên trước mắt chúng tôi.
 
Hơn 9 giờ sáng, trong lớp học dựng tạm có diện tích chừng 30m2, 14 học sinh khối lớp 3 đang cặm cụi viết bài. Những tia nắng xuyên qua kẻ hở của bức vách đan bằng tre lồ ô rọi xuống bàn, ghế, soi thẳng vào tấm lưng bắt đầu lấm tấm mồ hôi của những cô, cậu học trò nhỏ.
 
Cả lớp học chỉ có một chiếc máy quạt xoay qua, xoay lại, xoay bên này thì bên kia nóng, xoay qua bên kia thì bên này nóng. Ngồi một lúc các cô cậu học trò nhỏ cứ loay hoay, bởi nhiệt độ trong phòng học ngày càng tăng lên, gương mặt cũng thấm mệt, ướt đẫm hết cả mồ hôi.
 
"Do điều kiện nhà trường còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nên lớp học chỉ có một chiếc máy quạt. Có nhiều hôm trời nắng nóng, các em toát mồ hôi ướt hết cả áo. Thấy mà thương các em lắm", cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên điểm trường thôn Môn, xã Trà Thanh kể.
 
Cô, trò dạy và học trong căn phòng tạm bợ làm bằng tre, lồ ô
Cô, trò dạy và học trong căn phòng tạm bợ làm bằng tre, lồ ô
 
Điểm trường lẻ thôn Môn, xã Trà Thanh nằm ở gần ranh giới của Quảng Ngãi và huyện Trà My, Quảng Nam. Tại đây, có hơn 40 học sinh khối lớp 1, 2 và 3 đang theo học. Hiện điểm trường này có 2 phòng học kiên cố được đầu tư xây dựng từ năm 2008 chỉ đủ dạy cho khối lớp 1 và 2. Còn khối lớp 3, do không đủ phòng nên nhà trường và phụ huynh học sinh góp sức vào rừng lấy tre, nứa, lồ ô về dựng thành lớp học.
 
Cô giáo Hồ Thị Sang, giáo viên tại điểm trường này cho hay, lớp học được dựng tạm bợ, mái lợp bằng tôn nên mùa hè nóng còn mùa đông thì gió lùa vào những khe hở của những tấm lồ ô rất lạnh. Trường cũng không có kinh phí để xây nhà bán trú cho học sinh ở lại, học sinh phải mang cơm từ nhà đến trường ăn trưa, ăn xong ngủ trưa tại ngay lớp học. 
 
“Ở cạnh các em mới thấu hiểu được nổi khổ của việc đi tìm con chữ. Thấy mà thương các em lắm. Học trò ở đây ăn uống thiếu thốn, học trong phòng học tạm bợ thiếu thốn đủ thứ, nhưng các em vẫn rất cố gắng, không chùn bước, đi học đầy đủ. Nhìn mà chạnh lòng! Giáo viên nơi đây càng quyết tâm bám trường, giữ lớp”, cô Sang bày tỏ.
 
Thiếu thốn đủ bề, nhưng những học sinh khá ngoan ngoãn và chăm học
Thiếu thốn đủ bề, nhưng những học sinh khá ngoan ngoãn và chăm học

Thầy Nguyễn Thái Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Thanh cho biết, năm học mới 2020- 2021, trường Tiểu học Trà Thanh có 368 học sinh. Tổng số phòng học tại tất cả các điểm trường trực thuộc là 13 phòng, trong đó có 1 phòng học tạm bợ bằng tre lồ ô.

"Dù biết điều kiện kinh tế của huyện còn quá khó khăn. Thế nhưng các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây vẫn luôn mơ ước về những lớp học khang trang hơn cho các em học sinh. Chúng tôi rất mong Nhà nước, các nhà hảo tâm giúp xây dựng thêm phòng học kiên cố để các em không phải học ở phòng học tạm bợ, yên tâm học tập hơn", thầy Dũng trăn trở.
 
Năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã trích nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục gần 3 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa cơ sở vật chất, gia cố các phòng học và mua sắm trang thiết bị cho các trường. Tuy nhiên, chừng đó chẳng “thấm tháp” gì trong điều kiện điều kiện cơ sở vật chất còn quá khó khăn. Toàn huyện còn đến 7 phòng học tạm bợ bằng tre lồ ô, với gần 150 em học sinh theo học.
 
Bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, những năm qua do thiếu nguồn kinh phí, việc đầu tư và xây mới còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có 55 trường học trực thuộc, 160 điểm trường lẻ với hơn 13.000 nghìn học sinh đang theo học.
 
 
Mười bốn cô cậu học trò nghèo mỗi đứa mỗi gô cơm mang theo để ăn trưa
Mười bốn cô cậu học trò nghèo mỗi đứa mỗi gô cơm mang theo để ăn trưa
 
 
Theo bà Hương, trên địa bàn huyện còn đến 7 phòng học tạm bợ, trong đó có 2 điểm không có phòng học phải mượn Nhà văn hóa xã Trà Sơn và nhà kho của Trường Tiểu học Trà Lâm, tất cả các phòng học này đều không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, tuy nhiên huyện cũng không có đủ kinh phí để xây dựng trường kiên cố.
 
"Nguồn kinh phí quá ít ỏi trong khi các điểm trường đều xuống cấp nên chỉ đủ dùng sửa chữa, chưa có nguồn kinh phí để xây dựng phòng học mới cho các em. Riêng năm nay, ở 7 điểm trường tạm, huyện đã nỗ lực tu sửa , tráng nền xi măng, lắp khung sắt. Tuy là phòng tạm nhưng phải nỗ lực rất nhiều mới thực hiện được vì huyện còn gặp rất nhiều khó khăn", bà Hương chia sẻ.
 
Người dân địa phương và giáo viên ở điểm trường thôn Môn và các điểm trường khác ở miền núi chỉ mong một điều là những lớp học tạm kia sớm được thay thế bằng những phòng học kiên cố, để những đứa trẻ nghèo vùng cao trên con đường tiếp cận tri thức không còn phải nóng bức trong mùa hè và run rẩy trong những cơn gió lạnh mùa đông.
H.P
 

.