(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo đại học (ĐH) tại Việt Nam, dĩ nhiên phải có chuẩn Việt Nam. Nhưng chuẩn ấy không thể “đứng một mình”, không thể “không giống ai”. Bây giờ, thế giới đã có nhiều chuẩn đào tạo ĐH. Việt Nam bắt buộc phải tham khảo và chọn ra những chuẩn phù hợp với trình độ phát triển ĐH, phù hợp với trình độ giảng viên ĐH, phù hợp với yêu cầu đào tạo của đất nước mình. Và phải đặt yêu cầu phấn đấu để chuẩn ĐH Việt Nam ngày càng gần hơn với chuẩn quốc tế. Đã có những ý kiến lạc quan một cách thiếu thực tế, rằng bằng cấp của ĐH Việt Nam sẽ sớm được quốc tế công nhận. Đó là mục tiêu phấn đấu, nhưng không thể đạt tới trong một sớm một chiều.
Trong khi Bộ GD&ĐT mới đưa ra dự thảo chuẩn ĐH Việt Nam để các trường đại học góp ý và thảo luận, trong đó dự thảo chuẩn ĐH có rất nhiều vấn đề phải bàn cãi, phải điều chỉnh, thậm chí, phải thay đổi, thì hãy khoan nghĩ ngay tới việc quốc tế công nhận bằng cấp Việt Nam, mà hãy nghĩ Việt Nam phải đào tạo ĐH thế nào để tiệm cận với trình độ quốc tế. Khi việc đào tạo đã đi vào quy chuẩn, đào tạo thật sự có chất lượng, thì chắc chắn quốc tế sẽ từng bước công nhận bằng cấp của Việt Nam, không phải theo lối đánh đồng, mà bằng cấp nào đạt chuẩn trước sẽ được công nhận trước.
Đại học Việt Nam đang tiến tới tự chủ. Đó là điều bắt buộc và phù hợp với xu hướng thế giới, gần với những mẫu hình các trường ĐH tầm quốc tế. Nhưng tự chủ như thế nào? Và trong khi ĐH tự chủ, thì vị trí của sinh viên ở đâu? Tự chủ, việc đầu tiên các trường làm ngay lập tức là... tăng học phí. Đúng là không có tiền thì không thể tự chủ, nhưng khi tăng học phí, phải nghĩ tới tình trạng học sinh nghèo ở Việt Nam còn rất nhiều. Không phải học sinh nghèo nào ở Việt Nam cũng học giỏi để có học bổng. Đa số học sinh vẫn phải nộp học phí 100%.
Nếu với các em học sinh nhà nghèo, thì mức học phí dự kiến tăng như hiện nay liệu có phù hợp với tình hình tài chính của gia đình các em? Và một khi đã tăng học phí, thì liệu chất lượng đào tạo có tăng theo? Rồi chương trình đào tạo cũng phải thay đổi thế nào, không thể để mãi chương trình “đại học 4 năm” (trừ ngành y có đặc thù đào tạo riêng). Ở các nước tiên tiến, chương trình ĐH chuyên ngành ứng dụng hầu hết chỉ diễn ra trong 3 năm. Và chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng chỉ là 1 năm.
Còn ở Mỹ, chỉ cần học chương trình cao đẳng ra trường đã có việc làm, sau đó tùy sinh viên muốn học thêm chương trình ĐH thì chỉ mất tròn 1 năm nữa. Với sinh viên, “đầu ra việc làm” là quan trọng nhất. Nếu chương trình chuẩn đặt thời lượng học đại cương quá nhiều như hiện nay, học chuyên ngành ít như hiện nay, thì sinh viên khi ra trường sẽ rất khó xin được việc làm. Không ai phản đối học lý thuyết, nhưng với những trường đào tạo ứng dụng, học chuyên ngành ứng dụng mới là quan trọng nhất và thiết thực nhất.
Với tình hình sinh viên phải đóng học phí cao như sắp tới đây, thì nên tính toán sắp xếp để mỗi môn học đều phải thực sự có ích và cần thiết cho sinh viên khi ra trường. Đừng để có những môn sinh viên học xong không biết dùng làm gì.
Nếu thu gọn đúng mức, tinh giản chương trình hợp lý, hướng tới đào tạo ứng dụng cho những trường ĐH ứng dụng, thì sinh viên hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình ĐH trong 3 năm, như quốc tế đã làm. Và khi ra trường, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đó mới là mục đích phổ biến của giáo dục ĐH.
THANH THẢO