Sáng nay 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Các ý kiến tại cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Điều này nhằm bảo đảm khắc phục những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của luật.
Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.
Địa phương được giao chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.
Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm trong bối cảnh dịch Covid-19 nên chúng ta phải điều chỉnh cả về thời gian và lượng kiến thức.
Kỳ thi này vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT và đúng lộ trình đổi mới thi cử từ 5 năm nay.
Đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
Nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo yêu cầu cải tổ trước một kỳ thi nghiêm túc khách quan, trung thực, không nặng nề quá mức cần thiết.
Phó Thủ tướng cho rằng, khi kỳ thi này tổ chức khách quan, trung thực không chỉ đánh giá chất lượng dạy và học ở bậc học THPT mà sẽ là cơ sở giúp các trường đại học xét tuyển trên tinh thần tự chủ, gắn với trách nhiệm, giải trình.
Toàn xã hội quan tâm tới thi cử, mặc dù thi là quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhưng cũng như mọi năm, Bộ phải hoàn thiện phương án để báo cáo Chính phủ.
"Đề nghị Bộ GD&ĐT, hoàn thiện phương án lấy ý kiến chuyên gia, của giáo viên, phụ huynh, học sinh, chuyên gia khảo thí để hoàn thiện có phương án thi tốt nhất phù hợp với thực tế và tiếp tục các giải pháp để chống dịch Covid-19" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Các thí sinh phải cạnh tranh nhau để vào đại học
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin với nội dung “99% đỗ thì thi tốt nghiệp làm gì?”, trong đó, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, nếu bỏ thi kỳ thi THPT quốc gia thì hằng năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội với số tiền hàng trăm, ngàn tỷ đồng như hiện nay (chi phí của chính phủ, của các trường đại học, của các địa phương, của phụ huynh học sinh...). Kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp 98%, 99% thậm chí 100% như thi tốt nghiệp hiện nay.
Trong khi đó, ngay hiện tại, việc có sử dụng kết quả thi kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển hay không là quyền của các trường.
PGS.TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Giao thi kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT tổ chức và lấy đề thi từ Bộ GD&ĐT vì hiện nay đỗ tốt nghiệp đều trên 90%.
Còn thi để lấy nhân tài đào tạo chất lượng cao thì nên để các trường đại học tổ chức. Mục tiêu của các cuộc thi là khác nhau, thi đại học là chọn học sinh giỏi xuất sắc còn thi tốt nghiệp là đạt ngưỡng nào đó để tốt nghiệp như 1 đợt kiểm tra cuối kỳ nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, với thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn thì nên tổ chức thi ngắn gọn như Bộ GD&ĐT đề xuất, học gì thi nấy.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, ngày nay, tấm bằng Trung học phổ thông chỉ là một hộ chiếu để con người vào đời, tức là đi tìm cho mình con đường đào tạo nghề để trở thành người lao động trong một lĩnh vực hoạt động xác định thuộc nền kinh tế quốc dân.
“Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao kỳ thi này cho địa phương tổ chức. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chu đáo việc tổ chức thi ở Vẫn thi THPT nhưng giao do địa phương tổ chức để xét nghiệpmỗi trường, sao cho kỳ thi diễn ra như một sự kiện bình thường, coi như một cuộc kiểm tra trình độ học vấn phổ thông mà các em đạt được sau 12 năm đèn sách.
Đồng thời, tách thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ra khỏi việc tuyển sinh đại học, tránh thi tốt nghiệp Trung học thành cuộc cạnh tranh vào đại học. Làm được điều này sẽ bớt đi những tiêu cực trong thi cử, nhất là người lớn can thiệp vào việc chấm thi, tạo ra sự thiếu minh bạch và mất công bằng trong giáo dục" – GS Dong nhấn mạnh.
Hồng Hạnh/Dân trí