Tinh giản chương trình học kỳ II năm học 2019 - 2020: Giảm áp lực, nhưng vẫn đảm bảo kiến thức

02:04, 11/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường học đóng cửa trong thời gian dài để phòng, chống dịch. Do đó, Bộ GD&ĐT đã quyết định tinh giản nội dung chương trình học kỳ II, năm học 2019 - 2020. Điều này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là, các cơ sở giáo dục cần triển khai thực hiện tinh giản chương trình theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để đảm bảo nội dung và chất lượng giảng dạy.     
Dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 miền núi được cho là sẽ khó khăn do việc dạy bị đứt quãng trong thời gian dài.                                                                                                Ảnh: P.V
Dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 miền núi được cho là sẽ khó khăn do việc dạy bị đứt quãng trong thời gian dài. Ảnh: P.V
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái: “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản”
 
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II, năm học 2019 - 2020, Sở đã có văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các đơn vị trực thuộc và phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố. Các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn tinh giản nội dung tương ứng với từng môn học để giảm tải chương trình sau khi HS đi học trở lại, để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học đúng quy định. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT với bậc trung học, các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, các trường chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học. Đối với môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, các trường điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp thực tiễn.
 
Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản.
 
Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Trường THPT chuyên Lê Khiết, thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Tấn Huy: “Một cơ hội quý giá để nhìn lại những bất hợp lý của chương trình hiện hành”
 
Do tình hình dịch Covid-19, nên Bộ GD-ĐT đã có một động thái chưa có tiền lệ xưa nay là cắt giảm chương trình. Đó là việc bất đắc dĩ, nhưng hợp lý. Đây là một cơ hội quý giá để nhìn lại những bất hợp lý của chương trình hiện hành được thực hiện từ năm 2006.
 
Chương trình môn Ngữ văn hiện hành được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm nâng cao dần nên có nhiều đơn vị kiến thức lặp lại trong một cấp và giữa các cấp. Vì thế, việc tinh giản là cần thiết, giảm được tình trạng quá tải thường bị ca thán lâu nay. Việc lược bỏ những nội dung lặp lại và cắt bớt những kiến thức thuần tuý lý thuyết, hàn lâm; tập trung vào việc dạy thực hành, rèn luyện kỹ năng sẽ giúp cho việc dạy học trở nên nhẹ nhàng, thiết thực. Quan trọng nhất là việc giảm tải chương trình vẫn không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đào tạo, kết quả đầu ra và tính hệ thống của môn Ngữ văn.
 
Đối với học sinh (HS) khối 12, chương trình môn Ngữ văn học kỳ II còn lại là khá nhẹ nhàng. Học sinh sẽ không áp lực trong quá trình học tập và ôn thi THPT quốc gia năm 2020 trong tình hình hiện nay.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) Lê Đức Quỳnh: “Việc cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học”
 
Sau khi nhận được công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã lập kế hoạch triển khai đến các tổ, nhóm chuyên môn và từng giáo viên. Nhà trường yêu cầu các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng lại nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với đặc thù môn học, trong đó chú ý không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và được ghi chú “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện”.
 
Trên cơ sở nội dung dạy học đã được xây dựng lại, giáo viên tiến hành giảng dạy cho HS thông qua việc dạy học trực tuyến. Đối với những nội dung đã được giảm tải, giáo viên hướng dẫn HS tự đọc, tự học, tự làm. Việc điều chỉnh nội dung dạy học là hợp lý trong tình hình chịu sự tác động của dịch Covid-19 nhằm tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ về kiến thức, kỹ năng; đồng thời giảm gánh nặng cho giáo viên, tránh gây áp lực cho HS khi đi học trở lại. 
 
Nội dung giảm tải tập trung ở các lớp cuối cấp của mỗi bậc học, đặc biệt ở bậc trung học. Việc cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
 
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy (Trà Bồng) Đinh Văn Sen: “Khó khăn nhất là đối với học sinh khối lớp 1”
 
Bộ GD&ĐT đã nêu rõ giảm tải, nhưng không để tình trạng HS lớp 1 không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2. Tuy nhiên, đối với HS miền núi phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc đảm bảo cho các em nói và viết tiếng Việt sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi các em chỉ mới hoàn thành chương trình học kỳ I thì phải nghỉ học kéo dài để phòng dịch. Thời gian đó, các em chủ yếu nói bằng tiếng mẹ đẻ, nên sẽ quên những gì đã học. Vì vậy, trong thời gian đầu HS đi học trở lại, các thầy, cô giáo sẽ giúp các em ôn lại kiến thức cũ trước khi bước sang kiến thức mới; đồng thời có hướng dạy phụ đạo vào những ngày cuối tuần để giúp các em theo kịp chương trình.
 
Việc ôn lại kiến thức cũ cũng sẽ được thực hiện với các khối lớp còn lại. Hướng dẫn tinh giản được xây dựng cụ thể cho từng môn học của từng lớp. Theo đó, có 9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II. Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần dạy của chương trình, các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cho HS, chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, những bài có cùng chủ điểm...
 
 
 TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)
 

.