Nỗi lo của ngành giáo dục

02:04, 18/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, dù trên địa bàn Quảng Ngãi chưa có ca bệnh dịch Covid-19, nhưng sự tác động của đại dịch này đối với hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh là rất lớn, khó có thể phục hồi và duy trì hoạt động ổn định trở lại trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với ngành giáo dục, cái khó ở đây là khung thời gian và nội dung chương trình năm học đã được mặc định theo Luật Giáo dục và các văn bản của ngành, nhưng giờ phải thay đổi, nên tác động trực tiếp đến chất lượng nội dung dạy và học trong nhà trường.
Theo văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT, thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020 là ngày 15.7 và Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 - 11.8. Như vậy, thời gian còn lại của năm học rất ít, trong khi đến nay học sinh (HS) vẫn chưa có ngày trở lại trường; dịch bệnh Covid-19 ở một số tỉnh, thành vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất lớn.
 
Để “giải bài toán khó” này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tinh giảm một số nội dung chương trình của học kỳ II; tăng cường dạy, ôn tập trên truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để chuyển tải bài giảng, bài tập của giáo viên đến với HS trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19... và đã được ngành giáo dục Quảng Ngãi triển khai thực hiện.
 
Giải pháp này bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng mới cho ngành giáo dục về việc tận dụng hạ tầng CNTT hiện có để thực hiện công tác dạy và học ở một số cơ sở, đơn vị trường học hội đủ điều kiện. Một số giáo viên, trường học ở TP.Quảng Ngãi, khu vực trung tâm các huyện, thị xã đã chủ động cung cấp bài giảng, hướng dẫn tìm nguồn tài liệu trên Internet, truyền hình để HS tự học ở nhà ngay sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành, nên đến nay một số HS đã nắm được phần lớn những kiến thức cơ bản của chương trình học kỳ II.
 
Tuy nhiên, kết quả đạt được nêu trên không nhiều, vì phần lớn HS chưa quen với phương pháp tự học, tự nghiên cứu, nhất là HS có học lực trung bình trở xuống, HS ở nông thôn, miền núi. Mặt khác, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện và dành sự quan tâm đến việc tự học của con em. Với những phụ huynh quan tâm đến việc học của con em thì lại “bất lực” với những bài tập Toán, tiếng Việt quá “hóc búa”, dù chỉ ở bậc tiểu học.
 
Trong khi đó, nhiều đơn vị trường học không chủ động và lúng túng trong triển khai, nên đến ngày 10.4 vừa qua mới gửi tài liệu, bài tập qua hệ thống Zalo, Email... cho HS làm. Nguyên nhân là do hạ tầng CNTT ở một số trường chưa đảm bảo; khả năng sử dụng CNTT của giáo viên, lãnh đạo nhà trường còn hạn chế và thụ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao...
 
Dạy học là cung cấp kiến thức cho HS, nhưng phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, không cho phép kéo dài từ tháng này qua năm nọ, nhưng cũng không cho phép “nhồi nhét” theo kiểu cơ học. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục hiện nay. Theo một số giáo viên, nên tổ chức thi cuối học kỳ II trên nền tảng kiến thức học kỳ I để xét lên lớp; còn kiến thức học kỳ II thì lồng ghép với nội dung môn học của học kỳ I, năm học 2020 - 2021. Có như thế, HS mới khỏi hổng phần kiến thức cơ bản trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19.
 
ĐỨC NGUYỄN
 

.