(Báo Quảng Ngãi)- Trong thời gian học sinh (HS) nghỉ học để phòng dịch Covid-19, ngành giáo dục đã triển khai dạy học online (trực tuyến), qua truyền hình... Theo quy định, trường học có thể sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học tại nhà của HS vào đánh giá thường xuyên. Tuy nhiên, mỗi nơi tổ chức dạy học một kiểu nên khó có sự nhất quán trong kiểm tra, đánh giá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dạy học: Mỗi nơi một kiểu
Hạn chế rõ nhất của việc học online là công tác kiểm tra, đánh giá việc học tập của HS gặp khó khăn. Kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ không phản ánh được hết năng lực HS. Em Tạ Gia Nhật Minh, lớp 11B5, Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Em cảm thấy rất thoải mái khi học tại nhà. Tuy nhiên, em lo lắng trước việc dùng kết quả học online để đưa vào kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Bởi việc đánh giá sẽ không đảm bảo tính công bằng”.
Em Tạ Gia Nhật Minh, lớp 11B5, Trường THPT Trần Quốc Tuấn trong một giờ học online. |
Dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về công tác kiểm tra, đánh giá HS, nhưng để đánh giá thực chất, khách quan, đúng năng lực HS cần phải trang bị đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, việc học online có hạn chế là không đồng bộ về hạ tầng công nghệ ở các địa phương. Học sinh nghỉ học dài ngày nên mức độ triển khai giảng dạy của mỗi trường không có sự thống nhất. Dạy học online không thể thay thế dạy học trên lớp, vì không có sự tương tác giữa thầy và trò. Hơn nữa, ở mỗi vùng miền, năng lực HS khác nhau, chỉ có giáo viên của trường đó mới biết rõ và có phương pháp giảng dạy phù hợp. Vì vậy, công tác kiểm tra, đánh giá khi học online sẽ gặp khó khăn, hạn chế nhất định.
“Ngành giáo dục chỉ cho chủ trương sử dụng kết quả dạy học online, qua truyền hình và các hình thức dạy học khác vào cột điểm kiểm tra miệng, 15 phút. Việc đánh giá chất lượng HS khó khách quan vì không ai quản lý được. Dù biết có những hạn chế như vậy, nhưng không thể cầu toàn. Ngành giáo dục sẽ cố gắng tìm giải pháp tối ưu nhất trong thời gian đến, nhằm đáp ứng việc dạy và học ở tất cả các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh”, ông Thái nhấn mạnh.
Miền núi: Ôn kiến thức cũ là chính
Việc dạy và học online ở khu vực miền núi rất khó thực hiện. Trong giai đoạn này, các trường học chỉ yêu cầu HS nhớ kiến thức cũ để khi các em quay trở lại trường học không phải học lại từ đầu. Vì vậy, các trường cũng không đặt nặng công tác kiểm tra, đánh giá HS trong việc tiếp thu bài học mới.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hạ 2 (Sơn Hà) Vũ Như Nghĩa cho biết: “Trường có 500 HS, nhưng chỉ có 96 em là nhà có tivi. Bố mẹ các em thường xuyên đi làm rẫy, vì vậy, giáo viên đến nhà hướng dẫn trực tiếp cho các em theo nhóm 2 - 3 em. Nhà trường chủ yếu cho các em ôn lại kiến thức đã học. Riêng HS tiểu học chỉ nhận xét bằng lời hoặc ghi vào vở chứ không cho điểm”.
Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học, nhằm đánh giá chất lượng giờ dạy và cũng là cơ sở để điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học cho phù hợp. Tuy nhiên, thực tế với những giải pháp giảng dạy tạm thời, thiếu tính đồng bộ trong mùa dịch thì rất khó để thực hiện công tác kiểm tra. Thiết nghĩ, HS học tại nhà trong thời gian nghỉ phòng dịch chỉ là giúp các em không quên kiến thức cũ, tập trung tiếp thu kiến thức mới từ giáo viên. Các tiết kiểm tra định kỳ từ 1 tiết trở lên sẽ được thực hiện khi HS quay lại trường học.
Không kiểm tra, đánh giá
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, các trường ở huyện đã có giải pháp để giúp HS học tập tại nhà như: Phân công giáo viên đến từng nhà hướng dẫn, photo tài liệu học tập và nhờ trưởng thôn giao cho HS. Giáo viên nhận bài lại để sửa bài cũ và bổ sung kiến thức mới cho các em, nhưng cũng có nhiều HS theo cha mẹ lên rẫy nên khó hướng dẫn học tập. Vì vậy, địa phương không sử dụng kết quả học tập trong thời gian nghỉ học tại nhà để đưa vào kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
|
Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG