Chọn sách giáo khoa lớp 1: Còn nhiều băn khoăn

09:04, 10/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học trong tỉnh đang gấp rút lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 để dạy học trong năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo trong Hội đồng chọn SGK chỉ có vài tuần để lựa chọn 1 trong số 5 bộ sách là điều rất khó khăn.
Chọn sách khi chưa dạy
 
Hiện nay, các thầy, cô giáo chỉ có vài tuần để đọc kỹ và đánh giá ưu, nhược điểm của 5 bộ sách để quyết định chọn ra bộ sách phù hợp với học sinh của trường. Nhiều giáo viên cho rằng, những nội dung thể hiện trong sách chỉ là phần lý thuyết, còn mục tiêu của việc lựa chọn sách là hướng tới người học, nên giáo viên phải dạy thực nghiệm để đánh giá chính xác hơn. 
 
Hội đồng chọn sách giáo khoa Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) tiến hành họp để chọn sách giáo khoa.
Hội đồng chọn sách giáo khoa Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) tiến hành họp để chọn sách giáo khoa.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tuyến - Tổ trưởng Tổ 1, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Nhà trường thành lập Hội đồng chọn SGK gồm 21 thành viên và phân công từng nhóm để chọn từng môn. Việc chọn SGK theo đúng quy trình, nhưng các thầy cô giáo chỉ có thời gian ngắn để đọc và chọn nên sẽ khó đánh giá chính xác từng bộ sách...”.
 
Hiệu quả của SGK không chỉ nằm ở phần thể hiện trong sách, mà chính những nội dung ấy có phù hợp, có dễ dàng để giáo viên truyền đạt đến học sinh hay không. Để đánh giá bộ sách ấy có phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh và đảm bảo dung lượng từng tiết dạy đòi hỏi phải đưa cuốn sách ấy vào thực nghiệm.
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, huyện đang lựa chọn SGK theo lộ trình và hoàn thành trước ngày 25.4 đến. Trước đó, Phòng GD&ĐT huyện đã gửi về các trường 4 bộ sách in, một bộ qua mạng và hướng dẫn nhà trường thành lập Hội đồng chọn SGK. Trước mắt, các trường chọn và trong quá trình giảng dạy sẽ tiếp tục đánh giá những thuận lợi, khó khăn. Bởi chỉ có dạy thực nghiệm thì mới đánh giá đúng thực tế.
 
Mỗi trường một quan điểm
 
Việc Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc chọn SGK vẫn còn nhiều bất cập. Bởi mỗi trường có sự lựa chọn khác nhau sẽ gây ra những khó khăn nhất định.
 
Chia sẻ về những bất cập trong chọn SGK, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Bình (Trà Bồng) Bùi Trương Quang Kỳ cho biết: “Nhà trường không có đủ sách cho từng giáo viên nên cung cấp đường link trên website của Bộ GD&ĐT để họ nghiên cứu. Giáo viên chỉ có vài tuần để đọc các cuốn sách đã khó, nên việc đọc qua mạng sẽ càng khó khăn hơn. Đến nay, Hội đồng đã lựa chọn và báo cáo một số ưu, khuyết điểm của từng bộ SGK. Quan điểm chọn sách của mỗi trường mỗi khác nên sẽ khó khăn trong sự quyết định để chọn sách cho đơn vị mình”.
 
Trên thực tế, giáo dục cần quan tâm đến góc độ vùng miền để đánh giá khách quan chất lượng trên diện rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục nên giao cho từng cụm địa phương lựa chọn. Nhà quản lý, giáo viên là người nắm được đặc điểm, thói quen phong tục của các dân tộc, sự giao thoa vùng miền, đặc biệt là sự tương đồng về chất lượng, điều kiện phát triển giáo dục để chọn bộ SGK phù hợp nhất.
 
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, Sở không can thiệp vào việc chọn SGK của các trường, nên đã giao các đơn vị trường học chủ động lựa chọn SGK. Các phòng GD&ĐT có trách nhiệm tổng hợp và báo về Sở danh mục SGK được lựa chọn trước ngày 15.5 để tổng hợp.
 
Lấy học sinh làm trung tâm
 
Bàn về việc chọn sách giáo khoa lớp 1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: “Khi chọn sách giáo khoa, ngành giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, tạo sự tin tưởng trong phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Ở những nơi có tính tương đồng, UBND cấp huyện và ngành giáo dục cần phối hợp trong công tác lựa chọn nội dung sách giáo khoa. Vận dụng hài hòa, thông suốt với văn hóa, con người của địa phương để chọn ra bộ sách phù hợp nhất”. 
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 
 

.