(Baoquangngai.vn) – Trước thực trạng thiếu giáo viên, thừa thiếu giáo viên cục bộ, huyện Tư Nghĩa đã chọn giải pháp tình thế là điều động giáo viên định biên trường này dạy “vệ tinh” tăng cường cho trường kia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu năm học 2019 - 2020, cô giáo Bùi Thị Thuật, giáo viên biên chế dạy môn Lịch sử của Trường THCS Nghĩa Lâm được điều động về tăng cường cho Trường THCS Nghĩa Phương trong thời gian học kỳ 1. Bởi hiện trường nơi cô Thuật đang dạy thừa giáo viên môn Lịch sử trong khi trường bạn lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Mỗi tuần hai ngày, cô Thuật phải chạy xe máy 70 km cho quãng đường đi và về từ nhà đến trường và ngược lại.
“Tuy phải vượt quãng đường khá xa, nhưng vì khó khăn chung của ngành và vì học trò nên tôi chấp thuận sự điều động này. Tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn vừa hoàn thành nhiệm vụ tại trường biên chế” - cô Thuật cho biết.
Cũng như cô Thuật, cô Huỳnh Thị Tường Vy, giáo viên môn Tin học của Trường THCS Nghĩa Thuận cũng được điều động về dạy tăng cường tại ngôi trường này.
Cô Thuật, giáo viên Trường THCS Nghĩa Lâm được điều động về dạy tại Trường THCS Nghĩa Phương. |
“Ngoài việc di chuyển xa hơn trước, đến môi trường mới, tất nhiên giáo viên phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo viên phải làm quen với học sinh mới, mất nhiều thời gian nắm bắt đối tượng học sinh để có cách truyền đạt kiến thức phù hợp cho các em” - cô Vy chia sẻ.
Bước vào năm học 2019 - 2020, Trường THCS Nghĩa Phương thừa 1 giáo viên dạy môn Mỹ thuật, nhưng lại thiếu tới 2 giáo viên môn Lịch sử và 1 giáo viên Tin học.
Nhà trường đã vận dụng hết “nội lực” là bố trí giáo viên dạy liên môn như Văn-Lịch sử, Sử-GDCD, nhưng trường có tới 16 lớp nên các giáo viên này vẫn không thể “kham nổi” hết thời lượng của môn Sử.
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Phương, thầy Võ Đình Hoanh cho biết, việc điều động giáo viên dạy liên trường từ nơi thừa sang nơi thiếu đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng của trường. Nếu không có 2 giáo viên được điều động, trường sẽ rất khó khăn để đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức hai kỳ thi tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên số lượng thí sinh trúng tuyển vẫn chưa đủ định biên. Theo Nghị định 161 thì các trường không được hợp đồng với giáo viên để giải quyết nhu cầu dạy học của trường.
Việc điều động giáo viên từ trường thừa qua trường thiếu là giải pháp hay trong điệu kiện thiếu giao viên. |
Mặc khác, do đặc thù của ngành giáo dục là trong năm học có giáo viên lại nghỉ hưu, nghỉ thai sản, nghỉ ốm… nên luôn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở mọi thời điểm. Để đảm bảo hoạt động dạy và học, các trường buộc phải phân công giáo viên dạy tăng tiết, dạy trái môn. Điều này hiển nhiên là ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa, ông Trương Quang Dũng, xuất phát từ thực tế trên, Phòng GD&ĐT nghĩ ra ý tưởng phân công giáo viên dạy “vệ tinh”, điều động giáo viên từ nơi thừa sang tăng cường cho nơi thiếu.
Trong học kỳ 2 năm học 2018 - 2019, phòng đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện thí điểm điều động 1 giáo viên. Đến học kỳ 1 của năm học này, 17 giáo viên tiếp tục được điều động dạy liên trường, trong đó bậc TH có 7 giáo viên và THCS có 10 giáo viên.
Thời gian mỗi giáo viên được điều động dạy tăng cường là 1 học kỳ. Hết thời gian điều động, giáo viên này sẽ quay lại trường cũ giảng dạy, phòng sẽ tiếp tục điều động giáo viên khác thay thế để đảm bảo sự công bằng cho tất cả giáo viên.
Tuy khoảng cách đi lại xa, không ít giáo viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng trước khó khăn của ngành, các thầy cô giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, cố gắng nỗ lực cao trong thực hiện nhiêm vụ được giao.
Cũng theo ông Trương Quang Dũng, đây là giải pháp giúp các trường giảm bớt khó khăn do thiếu giáo viên, hạn chế được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, giảm kinh phí về con người trong điều kiện biên chế của ngành không được tăng. Thành công bước đầu của giải pháp này sẽ tạo hành lang để Phòng GD&ĐT tiếp tục thực hiện trong học kỳ 2 của năm học này và các năm học tiếp theo.
Bài, ảnh: A.KIỀU