Du học Nhật Bản- những gì tôi đã trải

12:10, 20/10/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Phạm Hà Nhiên- cựu học sinh chuyên Anh Trường chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi, đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Quốc tế Tokyo. Rất nhiều bạn trẻ có nguyện vọng được đặt chân lên đất nước “Mặt trời mọc” này để theo đuổi ước mơ của mình. Những chia sẻ của tác giả qua bài viết sau đây phần nào giúp bạn có cái nhìn “sớm” hơn về một nước Nhật trong mơ của nhiều người.
Mùa thu năm 2017, tôi lên đường sang Nhật Bản nhập học vào chương trình dạy bằng tiếng Anh của một trường đại học quốc tế ở vùng phụ cận của Tokyo, với vốn tiếng Nhật chỉ dừng lại ở những câu chào hỏi cơ bản và hai bảng chữ cái. Xuất phát điểm là một học sinh chuyên Anh, có vốn tiếng Anh tương đối tốt và một số điểm chứng chỉ tiếng Anh đủ để đi du học ở bất kỳ nước nói tiếng Anh nào trên thế giới, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi về lí do mình chọn Nhật Bản làm điểm dừng chân cho bốn năm đại học.
 
Đúng vậy, tại sao nhỉ? Điều gì ở Nhật Bản đã khiến tôi, bất chấp những cú sốc về văn hoá và ngôn ngữ đã được dự tính trước, lựa chọn để làm nơi nuôi dưỡng bốn năm tuổi trẻ của mình? Chúng ta có lẽ đã nghe đến nhàm tai những lời ca ngợi văn hoá và đức tính của người Nhật, thế nhưng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng mà tĩnh lặng ấy là một nước Nhật với rất nhiều câu chuyện người ta thường không kể.
 
Học bằng tiếng Anh ở Nhật Bản là một lựa chọn
 
Với các bạn có nền tảng tiếng Anh khá (IELTS từ 6.0 trở lên), lựa chọn học tập tại các trường Đại học quốc tế ở Nhật Bản là hoàn toàn khả thi. Lựa chọn này giúp bạn không phải tốn 2 năm học tiếng Nhật để thi vào trường senmon hoặc đại học Nhật như thường. Các chương trình học bằng tiếng Anh tại một số trường đại học quốc tế ở Nhật đều mời giáo viên người bản xứ đến từ các nước nói tiếng Anh, cũng như là giáo sư đến từ những trường top ở các nước phương Tây để giảng dạy.
 
Vì các chương trình dạy bằng tiếng Anh còn khá mới mẻ ở Nhật, và để đạt được hiệu quả học tập cao nhất, hầu hết các lớp học đều có quy mô nhỏ gọn, tạo điều kiện đảm bảo tương tác giữa giảng viên với sinh viên. Các bạn có thể trực tiếp vào website của các trường để tìm hiểu thông tin ứng tuyển và gửi hồ sơ online. 
 
Một số trường các bạn có thể tham khảo:
 
     Tokyo  International University  (TIU):  https://www.tiu.ac.jp/etrack/admissions/
     Ritsumeikan  Asia Pacific University  (APU): https://admissions.apu.ac.jp         Toyo  University :   http://www.toyo.ac.jp/nyushi/en/
 
Tháo dỡ “bức tường vô hình”
 
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể sống ở Nhật với một vốn tiếng Anh nhất định nếu như chỉ cần mua sắm, ăn uống và giải trí. Ở Nhật, nhất là ở những thành phố lớn, có độ đa dạng về sắc tộc tương đối cao, hầu hết các loại dịch vụ đều được chu đáo kèm theo chỉ dẫn bằng tiếng Anh, mặc dù người Nhật hầu như không dùng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.
 
Tác giả - (người thứ 7 từ trái hoặc phải sang) cùng các bạn du học sinh các nước
Tác giả - (người thứ 7 từ trái hoặc phải sang) cùng các bạn du học sinh các nước
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thực sự hoà nhập vào xã hội Nhật Bản và có nhiều trải nghiệm phong phú hơn thay vì chỉ quanh quẩn ở trường và những địa điểm giải trí phổ biến, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật là bắt buộc. Khi tôi vừa mới chân ướt chân ráo sang Nhật khoảng 1 tháng, tôi đã phải khóc vì bất lực khi bị lạc giữa ga Tokyo - nơi được ví như một “mê cung" trong hệ thống ga tàu điện ở thủ đô nước Nhật này - vì không biết tiếng Nhật để hỏi được lối ra khỏi ga dẫn đến đúng nơi mà mình muốn giữa muôn trùng vây cửa ra ở đó. Rất may là nhân viên nhà ga, dù cũng không nói được tiếng Anh, đã rất nhiệt tình giúp tôi tìm được nơi mình cần đến. 
 
Bên cạnh sự cảm kích vì lòng tốt và sự ân cần của những người Nhật đã giúp đỡ mình lúc đó, điều thực sự thúc đẩy tôi quyết tâm học tiếng Nhật là ánh mắt dè dặt và nụ cười đầy khách sáo của họ vì tôi là một “ngoại nhân" - cách mà người Nhật gọi những người nước ngoài. Tôi biết mình không nên đến đây với tâm thế của một khách trọ ngắn hạn để chỉ nhận sự giúp đỡ một cách bị động. Tôi muốn tháo dỡ bức tường vô hình đó.
 
Làm thêm ở Nhật với du học sinh
 
Đây là một trong những định kiến phổ biến về nước Nhật khiến nó trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du học sinh "nhà nghèo" trong những năm gần đây. Thật vậy, Nhật Bản có chính sách tương đối cởi mở cho sinh viên nước ngoài có thể đi làm thêm kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Nhật. 
 
Một chân chạy bàn ở Việt Nam, lương tính theo giờ có thể chỉ đủ tiền đi chợ cho một bữa ăn. Còn ở Nhật, tiền công cho một giờ làm việc đã đủ để ăn một bữa khá là thịnh soạn hoặc mua một chiếc vé xem phim rồi. Nhiều người chấp nhận vay nợ hàng trăm triệu để được sang Nhật với giấc mơ đổi đời, với kế hoạch vừa học vừa đi làm để nuôi thân, trả học phí, trả nợ ngân hàng, thậm chí cố gắng gửi thêm về cho gia đình. 
 
Trên thực tế, không có nhiều người vượt qua được những năm ở Nhật mà gánh được hết trên lưng ngần ấy trách nhiệm. Với hạn mức 28 tiếng/tuần mà chính phủ cho phép sinh viên đi làm thêm, bạn chỉ có thể sống rất tiết kiệm để có khả năng chi trả sinh hoạt phí mà chưa chắc đã đủ để lo cho cả học phí. Nếu muốn kiếm thêm tiền cho những mục đích nêu trên, bạn bắt buộc phải đi làm "chui", làm quá giờ quy định, mà như vậy có nghĩa là bạn sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị buộc phải về nước.
 
Chưa kể, nếu bạn “cày” quá nhiều, công việc sẽ lấy đi bớt thời gian học, dẫn đến tiếng Nhật mãi không tiến bộ. Lúc ấy, bạn sẽ phải chấp nhận làm những công việc chân tay vất vả như làm đồ ăn ở trong xưởng hay nhận đi giao báo vào tờ mờ sáng, mức tiền lương sẽ cao hơn những công việc bán thời gian thông thường, đổi lại bạn sẽ mệt nhoài sau một ngày học và làm, mà trình độ thì không có cơ hội được nâng cao. 
 
Học được ở nước Nhật
 
Bản thân tôi chọn Nhật Bản ban đầu cũng một phần là vì cơ hội làm thêm và học thêm một ngoại ngữ mới. Tôi may mắn hơn nhiều người vì nhận được học bổng của trường cho phần lớn trong học phí, tuy nhiên chi phí sinh hoạt cũng là một bài toán nan giải. Khi chưa đủ tiếng Nhật để xin vào làm quán ăn hay những môi trường nói tiếng Nhật khác, tôi làm qua đủ các loại công việc: xưởng thịt, xưởng mì, giao đồ ăn. 
 
Mùa thu mát mẻ không thành vấn đề, mùa đông tháng gió mới là chuyện gian nan. Tôi vừa phải giữ điểm số ở trường để không mất học bổng, vừa học tiếng Nhật, vừa đi làm trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông Nhật Bản - cái mà một cô bé ở miền Trung nắng lửa chưa từng được trải nghiệm 18 năm qua. Không có đồng tiền nào dễ kiếm, và Nhật Bản không phải thiên đường cho những du học sinh “nhà không có điều kiện”- như cách gọi dành cho thành phần nghèo khó ở Việt Nam hiện nay. 
 
Người Nhật xếp hàng mua vé tại một điểm tham qua
Người Nhật xếp hàng mua vé tại một điểm tham qua
Đó là bài học vỡ lòng mà tôi học được sau một thời gian làm đủ thứ việc bằng cái vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình. Và tôi đã rút ra cho mình điều này: Ở Nhật, bạn càng giỏi tiếng Nhật, cơ hội của bạn càng rộng mở. Tôi cố gắng học tiếng Nhật để thoát khỏi cái "bi kịch" đầu đời ấy. Khi vốn tiếng Nhật đã vững, tôi nhận ra rằng nỗ lực đó đã không chỉ mang đến cho mình một công việc bớt vất vả, mà còn nhiều hơn thế. Khi bạn có đủ khả năng giao tiếp được với người Nhật bằng ngôn ngữ với tác phong của họ cũng là khi họ sẵn sàng mở lòng với bạn. 
 
Đi du học không chỉ để học kiến thức mới, mà còn là để học và hiểu văn hóa của nơi mà mình dừng chân. Đối với một dân tộc khép kín và nặng tâm tư như Nhật Bản, không có con đường nào lý tưởng hơn để lại gần họ ngoài phá bỏ rào cản ngôn ngữ. Tôi không cho rằng người Nhật kỳ thị người nước ngoài chỉ vì họ luôn mang chiếc mặt nạ lịch sự và xa cách. Một người bạn Nhật Bản của tôi đã nói rằng vì người Nhật nhận thức được sự lắt léo trong quan hệ xã hội ở chính đất nước họ, nên họ cho rằng người nước ngoài sẽ khó mà thông cảm. Họ ngại để cho người khác hiểu mình, nhưng sẽ sẵn sàng mở lòng khi đối phương bày tỏ nỗ lực để hiểu về họ.
 
 
Hãy kiên nhẫn học tiếng Nhật và sống ở đất nước này với một tấm lòng rộng mở. Tôi thấy nước Nhật giống như củ hành tây vậy, bên ngoài bóng mượt đẹp đẽ, thực ra là một tâm hồn bị bao bọc bởi tầng tầng lớp vỏ, càng bóc càng cay mắt, ấy vậy mà ai biết được, càng rang thì càng ngon, càng xào lại càng thơm. 
 
Bài, ảnh:  Phạm Hà Nhiên
 
 
 

.