Nhiều lao động nữ phải ’nhịn’ đẻ

09:10, 21/10/2009
.

Hầu hết lao động nữ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải làm thêm trung bình mỗi ngày 2 - 3 giờ mới đảm bảo được cuộc sống. Có đến một nửa lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải tạm gác thiên chức làm mẹ.

Đó là kết quả khảo sát mới nhất về tình hình thực hiện chính sách lao động nữ trong các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện tại 34 đơn vị thuộc 10 tỉnh, thành trên cả nước.
 
Lao động nữ ngoài quốc doanh luôn chịu nhiều thua thiệt so với các nam
đồng nghiệp. Ảnh: Báo Đất Việt

“Nhịn” đẻ

Khảo sát cho thấy 76% lao động nữ (LĐN) làm thêm từ 2 - 3 giờ một ngày. Ngoài việc DN phải hoàn thành đúng hạn hợp đồng giao sản phẩm, lý do chính làm thêm giờ, thêm ca là đơn giá tiền lương sản phẩm thường quá thấp nên phải thêm làm mới đảm bảo thu nhập tối thiểu. Gần 60% LĐN chưa qua đào tạo nghề nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng việc làm cũng như thu nhập của họ.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc làm thêm giờ của người lao động, trong đó có LĐN, đem lại lợi ích nhiều mặt cho DN, nhưng nhiều người lại bị thiệt thòi ở khoản thu nhập lẽ ra họ được hưởng. Hơn 60% LĐN làm trong môi trường độc hại khi được hỏi đều trả lời rằng họ không được trả phụ cấp độc hại.

Phần lớn LĐN ở khu vực ngoài quốc doanh có tuổi đời khá trẻ: gần 50% dưới 30 tuổi. Họ đang ở tuổi sinh đẻ nhưng khi được hỏi, phần lớn đều cho rằng một thân một mình còn lo không nổi, thiếu trước hụt sau, nên chuyện lấy chồng, sinh con ráng phải “nhịn”.

Đọc báo, xem tivi: chuyện xa xỉ

Không có điều kiện cả về thời gian lẫn vật chất nên việc giải trí, vui chơi gần như là một thứ xa xỉ đối với nữ công nhân. Hầu hết, LĐN không tham gia các hoạt động thể thao có thu phí, họ chỉ chọn môn nào đơn giản theo kiểu “cho có vận động”. Số LĐN thường xuyên xem tivi hay đọc báo nếu có cũng chỉ tập trung ở những người có trình độ chuyên môn cao.

Ngoài ra, việc chăm sóc sức khỏe của LĐN còn nhiều hạn chế, chủ doanh nghiệp thường bỏ qua hoặc chỉ thực hiện theo kiểu cho có. Khảo sát tại Công ty TNHH Giày Thông Dụng (Bình Dương) cho thấy LĐN chiếm hơn 4.300 trong tổng số 5.000 lao động nhưng việc thực hiện chế độ nghỉ 30 phút/ngày khi có kinh nguyệt gần như chưa được thực hiện. Việc thực hiện chế độ khám phụ khoa cũng không được triển khai.

Theo bà Hồng, nhiều DN cho rằng khám sức khoẻ tổng thể 1 lần/năm là đã cố gắng rồi, nói gì đến khám đi, khám lại. Đại diện công đoàn cơ sở ở một số DN thừa nhận rằng, việc khai thác quá mức sức lao động của LĐN ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của chị em. Khoảng 50% LĐN có sức khoẻ loại A, sau 3 năm làm việc, rơi xuống loại B; 11% nữ công nhân mắc các bệnh liên quan đến cổ, cột sống.

Theo lý giải của nhiều DN, chính sách, chế độ cho LĐN khu vực ngoài quốc doanh còn nhiều hạn chế là do họ chưa được ưu đãi về thuế hoặc việc vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất còn gặp khó khăn, thủ tục phức tạp.

Theo Báo Đất Việt

 


.