Nhân lực Công tác hướng nghiệp, dạy nghề: Nỗ lực vượt khó

03:08, 13/08/2009
.
(QNg) -Sự ra đời của các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp (TTKTTH-HN), các cơ sở dạy nghề là một hướng đi đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngày càng cao. Tuy nhiên công tác hướng nghiệp, dạy nghề còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ…

Phần lớn các TTKTTH-HN (Sở Giáo dục- Đào tạo) đều có chương trình dạy nghề ngắn hạn. Các cơ sở đã bồi dưỡng cho học viên những kiến thức thiết yếu phục vụ cho cuộc sống; tổ chức các hình thức sinh hoạt hướng nghiệp để mỗi người lựa chọn nghề phù hợp với khả năng của mình, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy vậy hoạt động giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu. Trong khi đó số lượng học sinh học nghề phổ thông tăng nhanh hằng năm.
Sinh viên Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ Dung Quất đang thực hành.
Sinh viên Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ Dung Quất đang thực hành. Ảnh: M.T

TTKTTH-HN Sơn Tịnh hoạt động với 3 chức năng là giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề và liên kết đào tạo nghề. Trong năm 2009 trung tâm đào tạo nghề cho 2.650 học sinh, với 4 nghề: Điện dân dụng, may, nấu ăn và tin học. Việc hướng nghiệp này không chỉ giúp các em có được những kỹ năng nghề cơ bản mà còn có thể định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Vì vậy mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng học sinh đến với trung tâm khá đông. Em Trần Anh Thắng (học sinh lớp 9, Trường Trương Quang Trọng), lớp Tin học cho biết: Ngoài việc có thêm kiến thức về Tin học, sau này nếu tốt nghiệp sẽ được cộng điểm khi xét tuyển vào lớp 10 nên em sẽ cố gắng theo học. Còn với em Phạm Thị Lý (Trường Trương Quang Trọng) thì theo học lớp nấu ăn là muốn sau này phục vụ việc nhà. Trong năm học này trung tâm có kế hoạch tuyển sinh đào tạo các lớp học nghề dài hạn cho những đối tượng có bằng THCS và THPT. Thầy Đặng Văn Giữ - Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Khó khăn lớn nhất của trung tâm là cơ sở vật chất, khu hiệu bộ được xây dựng từ năm 1976, đang xuống cấp. Hơn nữa trang thiết bị cho việc dạy nghề còn thiếu thốn, lạc hậu (năm 2008 kinh phí cho việc nâng cấp, trang bị thiết bị dạy học chỉ có 48 triệu đồng). Về vấn đề giáo viên, thầy Võ Hoàng - Giám đốc TTKTTH-HN Bình Sơn cho hay: Các Trung tâm hiện nay chưa có giáo viên chuyên dạy nghề; giáo viên dạy hướng nghiệp nghề chủ yếu là giáo viên dạy văn hóa được điều sang như giáo viên dạy Lý thì dạy Điện, giáo viên Sinh học thì phụ trách dạy nghề làm vườn…

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề gồm: 2 trường trung cấp nghề, 2 trường cao đẳng, 3 trường tham gia đào tạo nghề, 7 cơ sở dạy nghề công lập, 2 trung tâm dạy nghề ngoài công lập và 3 cơ sở có tham gia đào tạo hệ sơ cấp nghề. Năm 2008 các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được 13.451 lao động. Trong đó hệ sơ cấp: 7.026 người, với 22 ngành nghề (175,56% so với chỉ tiêu giao); hệ trung cấp nghề: 3.450 người với 28 ngành nghề (đạt 100% chỉ tiêu giao).

Hầu hết các cơ sở dạy nghề đều gặp khó khăn về mặt bằng và trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo. Nhu cầu của xã hội về lao động tăng nhanh, nhưng công tác tuyển sinh đào tạo tăng chưa tương xứng. Hơn nữa nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn eo hẹp so với yêu cầu phát triển. Trung tâm dạy nghề Thanh niên Quảng Ngãi (Tỉnh đoàn) sau 5 năm hoạt động vẫn chưa có trụ sở riêng. Hiện Trung tâm chỉ có hai biên chế, phải thuê giáo viên. Song từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã mở được 82 lớp nghề ngắn hạn (với 2.957 học viên) theo học các ngành nghề như: Thú y, dệt thổ cẩm, làm chổi đót, làm nhang, gỗ kỹ nghệ, may công nghiệp…

Đây là những lớp học được tổ chức tại địa phương, đào tạo cho những người đang phục vụ tại các làng nghề, vì vậy vấn đề đầu ra luôn được đảm bảo. Về đào tạo nghề dài hạn, Trung tâm đã liên kết đào tạo với Trường cao đẳng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ (Bình Định), Trường trung cấp nghề cơ giới Quảng Ngãi đào tạo hơn 360 học viên, với các ngành nghề như: Điện dân dụng- công nghiệp, cấp thoát nước… Trong những năm qua Trung tâm đã tổ chức cho 28 người đi xuất khẩu lao động tại Dubai, Malaysia… Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia các sàn giao dịch lao động việc làm tại các huyện, thành phố trong tỉnh như: Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Kế hoạch sắp tới của Trung tâm là hướng về những huyện miền núi - nơi đang có nhu cầu cao về đào tạo nghề.

Năm 2009 chỉ tiêu đào tạo nghề trên toàn tỉnh là 12.150 lượt người (cả 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng). Theo kế hoạch phát triển mạng lưới nghề giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2015 của Sở LĐ-TB&XH thì, trong năm 2009 tỉnh sẽ thành lập 3 trung tâm dạy nghề tại 3 huyện là Sơn Hà, Nghĩa Hành, Ba Tơ. Trung tâm dạy nghề huyện Đức Phổ sẽ được nâng cấp thành Trường trung cấp nghề Đức Phổ. Đến năm 2010 toàn tỉnh phấn đấu mỗi huyện có 1 trung tâm dạy nghề.
Cao Lương

.