Người biết lắng nghe và quyết đoán

09:12, 19/12/2018
.
Thanh Thảo   

(Baoquangngai.vn)- Đó là phẩm chất sáng chói nhất của một vị Tổng tư lệnh trực tiếp cầm quân ở chiến trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một vị Tổng tư lệnh như vậy.

Hồi xưa, Vua giao cho Đại tướng cầm quân ra ngoài biên ải được toàn quyền quyết định về chiến trường, “quyết trước, tâu sau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chiến dịch Điện Biên phủ, đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyền quyết định xử lý chiến trường như vậy.

Và đây là một câu chuyện xảy ra giữa một người nói và một người nghe. Nói và nghe qua điện thoại, ngay giữa chiến trường.

Người nói là tướng Phạm Kiệt, một vị tướng quân nổi tiếng ngay thẳng quê Quảng Ngãi. Còn người nghe chính là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Về tướng Phạm Kiệt, một người lãnh đạo chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, một người cách mạng kiên trung, thì Bác Hồ đã từng nói với đồng chí thư kí Vũ Kỳ rằng: “Chú Kiệt là người dám nói thẳng, nói thật… Bác cần nghe những thông tin như thế!”.

Trong cuộc Hội thảo khoa học lịch sử Việt Nam về tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư đến hội thảo. Thư có đoạn viết:  “Anh Kiệt đã đến tận nơi kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng…

Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch “đánh nhanh”
 
- “Anh Văn ạ, tôi ở đơn vị pháo đây, pháo triển khai bằng công sự dã chiến ở giữa cánh đồng, ban ngày bom đạn của địch chắc không thể trụ được. Đề nghị anh cân nhắc…”, “Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!”.

Và chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nghe và xác định ngay đó là một câu nói đúng.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN.


Phải hình dung, giữa chiến trường Điện Biên Phủ với địa hình vô cùng phức tạp, kéo được pháo vào trận địa là cả một kỳ công của bộ đội ta. Khi pháo đã yên vị vào trận địa, thì có một người nói, bố trí pháo ở trận địa lộ thiên như thế, ngay giữa đồng trống, là không được. Phải kéo pháo ra, và bố trí lại toàn bộ trận địa.

Nhưng quan trọng hơn, câu nói còn hàm ý: chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” lúc đó là không được. Phải thay đổi chủ trương thì mới mong chiến thắng. Đó là một chuyện cực lớn. Cần phải biết, lúc đó, bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sự hiện diện của những vị cố vấn Trung Quốc. Và “đánh nhanh, thắng nhanh” chính là tư vấn chiến lược mà các vị cố vấn Trung Quốc đã tư vấn cho Việt Nam.

Vào lúc đó, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất băn khoăn về phương án tác chiến này, nhưng chưa thể quyết định phải thế nào. Thì vừa có câu nói ngay từ thực địa khi đi kiểm tra chiến trường của tướng Phạm Kiệt. Cần phải thay “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Thay cả một phương án thực hiện chiến dịch trong điều kiện chiến dịch sắp diễn ra như thế là điều quá lớn.

Chính thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, chiến trường mới cần một vị Đại tướng Tổng tư lệnh.

Đầu tiên, là vị Tổng tư lệnh ấy phải biết lắng nghe. Dân gian có câu:  “Nói phải, củ cải cũng nghe”. Nhưng nói là nói vậy, chứ lịch sử đã hơn một lần chứng thực, là trong nhiều trường hợp, đến “củ sâm” cũng không chịu nghe lời nói phải, chứ đừng nói “củ cải”.

Và cái thứ hai, quan trọng hơn, là sau khi nghe, nếu thấy những tư vấn ấy là đúng, thì kiên quyết tìm biện pháp thực hiện.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người thực sự biết lắng nghe, lời “nói thẳng nói thật” từ một người cấp dưới của mình là Tướng Phạm Kiệt. Và sau đó, Đại tướng đã có ngay quyết sách. Dĩ nhiên, trong trường hoạt động cách mạng, thì “người tư vấn” Phạm Kiệt cũng chẳng thua ai.

Ông tham gia hoạt động từ năm 1929, đã từng bị thực dân Pháp kết án chung thân và đày lên nhà đày Buôn Ma Thuột. Ông là người chỉ huy chủ chốt, phụ trách quân sự, của cuộc khởi Ba Tơ lừng lẫy. Ông là người chỉ huy trực tiếp tham gia trận mạc suốt thời kháng chiến chống Pháp. Đó là người thực sự có kinh nghiệm chiến trường, có sự nhạy cảm quân sự rất cao.

Nhưng lời nói của tướng Phạm Kiệt vào lúc đó, dù rất đáng nghe, lại không phải dễ nghe. Và rất dễ trở thành một ý kiến đơn độc, “thiểu số” và không được suy xét, không được chấp nhận.

Nhưng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghe ra, đã nhận ra, và đã quyết thay đổi hẳn phương châm tác chiến.  Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26.1.1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”. Từ dự kiến trận đánh chỉ diễn ra trong 2 đêm 3 ngày đến một chiến dịch gian khổ, kiên trì, lầm lì, bền gan,  nhưng vững chắc, diễn ra trong 54 ngày. Và toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã phải trả bằng sinh mạng hàng vạn chiến sĩ, dân công hỏa tuyến. Những ngọn đồi cứ điểm của quân Pháp như đồi A1, Him Lam, Độc Lập… không chỉ đi vào lịch sử mà còn là những nghĩa trang của bao người con ưu tú nhất của đất Việt.

Nhưng, chúng ta đã chiến thắng.

Bây giờ ngồi ngẫm lại, nếu hồi ấy đội quân của ông Giáp cứ thực hiện phương án tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” thì sẽ ra sao? May sao, chúng ta đã có một vị Tổng tư lệnh biết lắng nghe “lời nói phải”, và biết quyết đoán một cách mãnh liệt.

Nhân dân Việt Nam biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì quyết định cực sáng suốt này. Và xin biết ơn vị tướng đã đưa ra lời tư vấn tuyệt vời đó: Tướng Phạm Kiệt. Quyết định ấy đã bớt đi rất nhiều xương máu cho con em nhân dân, mà chiến dịch vẫn thắng lợi.
 

 


.