(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mô hình tiếp sức cho những người từng lầm lỗi làm lại cuộc đời do Công an huyện Ba Tơ phối hợp với UBND xã Ba Động (Ba Tơ) triển khai. Sau hơn một năm, từ sự hỗ trợ của mô hình này, nhiều người đã tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Chỉ vì một phút nông nổi, không kiểm soát được trên bàn nhậu, anh Phạm Thanh Châu (36 tuổi) ở thôn Suối Loa, xã Ba Động phải chịu án phạt tù 18 tháng, vì tội cố ý gây thương tích. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, là trụ cột trong gia đình và là cha của 3 đứa con thơ, anh Châu quyết tâm xây dựng cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình.
Không đơn độc trên hành trình hoàn lương, anh Châu là một trong 4 thành viên được Công an huyện Ba Tơ phối hợp với UBND xã Ba Động hỗ trợ thông qua mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương”. Mô hình được triển khai thực hiện vào đầu năm 2017.
Anh Phạm Thanh Châu chăm sóc vườn keo lai. |
Được sự quan tâm của Công an huyện và sự hỗ trợ kịp thời từ địa phương trong việc cung cấp đất ươm cây, hướng dẫn kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra... anh Châu đã phát triển quy mô vườn ươm keo. Anh Châu phấn khởi cho biết: “Tôi rất cảm động trước sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Công an huyện. Các anh thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp tôi trong tiêu thụ keo. Đến nay, diện tích vườn ươm keo giống và keo giâm hom của tôi đã hơn 1ha. Năm vừa rồi, tôi bán keo thu được gần 150 triệu đồng".
Là địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp, nên UBND xã Ba Động đã mạnh dạn triển khai mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” để giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, đã giúp được 4 người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế. Trong đó có anh Nguyễn Văn Trí đã thoát nghèo.
Chủ tịch UBND xã Ba Động Huỳnh Văn Hùng, cho biết: Những người vừa chấp hành án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý ngại ngùng, tự ti, nên địa phương muốn là điểm tựa và đồng hành cùng họ trong bước đầu lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Thông qua mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương”, địa phương có cơ hội gần gũi, định hướng và hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế dễ dàng hơn. Sắp đến, địa phương sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp chung tay ủng hộ, tìm đầu ra ổn định cho cây keo con và định hướng cho các thành viên phát triển đa dạng các loại cây, con để tăng thêm thu nhập.
Bài, ảnh: H.THU