(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trở nên nhộn nhịp. Lợi dụng tình hình này, một số đơn vị kinh doanh đã tuồn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng ra thị trường.
Những ngày cuối năm, trên địa bàn Quảng Ngãi diễn ra nhiều hội chợ mua sắm hàng Tết. Tại các địa điểm này thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Nhiều gian hàng hóa được bày bán với nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giá cả phải chăng, tuy nhiên chất lượng hàng hóa thì khó có thể kiểm định.
Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an Quảng Ngãi) bắt một vụ xe container chở hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: T.Sự |
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngày 26.1.2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) đã kiểm tra các gian hàng tại Hội chợ mua sắm Tết Quảng Ngãi năm 2018. Qua công tác kiểm tra, phát hiện tại các gian hàng số 7, 8, 11, 12 không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hành vi trưng bày hàng hóa không có nhãn mác theo quy định.
Tiếp tục kiểm tra đơn vị tổ chức hội chợ là Công ty CP Truyền thông Vương Hậu TP.Hồ Chí Minh thì phát hiện đơn vị này kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ triển lãm thương mại. Đây cũng là kẽ hở để các hộ kinh doanh bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 10.1.2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Công an huyện Tư Nghĩa và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 51C-75274, rơ móoc số 51R-13613, do ông Nguyễn Phan Quốc Nhiệm (50 tuổi) ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) điều khiển, phát hiện trên xe có 1.700 chiếc ví, 300 áo len, 900 áo khoác, 300 linh kiện đầu thu, 300 túi xách, 1.500 đôi giày các loại. Qua xác minh được biết, số hàng trên đều là hàng nhập khẩu, nhưng không có nhãn mác, gốc tiếng nước ngoài cũng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Ngoài ra, trên xe ông Nguyễn Phan Quốc Nhiệm còn có 60 bộ quần áo, 35 đồng hồ đeo tay là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Phòng Cảnh sát Kinh tế đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để xác minh làm rõ.
Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp. Nổi lên là tình trạng mua, bán hàng hóa nhập lậu, cất giữ, kinh doanh lâm sản... Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh lâm sản của ông Phạm Tấn Duy (37 tuổi) ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) phát hiện tại xưởng gỗ đang cất giữ 36 thanh gỗ xẻ chưa xác định chủng loại với khối lượng trên 4,1m3 không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 về mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 16 vụ, 16 đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu và vi phạm trong lĩnh vực lâm sản; xử phạt vi phạm hành chính trên 300 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; chủ động nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thực hiện có hiệu quả cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; khuyến cáo người dân không sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vì đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái hoạt động”.
Ngọc Thương