(Báo Quảng Ngãi)- Trở về sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rất nhiều chiến sĩ còn giữ lại những kỷ vật thiêng liêng của một thời bom đạn.
Những kỷ vật này còn mãi giá trị theo thời gian và là cầu nối nhắc nhở thế hệ tương lai phải có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Ký ức một thời lửa đạn
Đã 42 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, bà Trần Thị Minh Kỉnh, ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) vẫn còn nhớ như in những ký ức hào hùng về một thời bà từng là cô y tá tại đơn vị H10 của Tỉnh đội Quảng Ngãi.
Năm 1964, bà Kỉnh tham gia du kích tại địa phương, rồi sau đó thoát ly về các vùng căn cứ cách mạng. Năm 1966, bà vừa học vừa làm ở bệnh xá B23, đến năm 1967 được bệnh xá cử đi học y tá và về phục vụ tại đơn vị H10 của Tỉnh đội.
Ông Đỗ Hữu Đấu và những kỷ vật một thời bom đạn. |
Từng chứng kiến cảnh bom đạn dày xéo, cảnh đồng đội lần lượt hy sinh, nên bà thấu hiểu những nỗi đau mà chiến tranh gây nên. Hình ảnh những chiến sĩ do đích thân bà chăm sóc, chữa trị rồi đến lúc chia tay, họ trao nhau những kỷ vật quý báu luôn hiện về trong suy nghĩ của bà. Và giờ đây, những kỷ vật ấy luôn được bà giữ gìn, nâng niu.
“Tôi nhớ anh Vũ Minh Điềm ở Tiểu đội 48, quê ở Bình Sơn bị thương rất nặng. Sau đó, tôi cùng với các bác sĩ tận tình cứu chữa cho anh lành bệnh. Đến ngày chia tay mọi người, anh trao cho tôi chiếc mền bằng vải dù, để làm kỷ niệm. Sau lần chia tay ấy, trên đường trở về đơn vị anh bị địch phục kích rồi ra đi mãi mãi, tôi không thể nào quên người anh trai này”, bà Kỉnh bồi hồi kể lại.
Còn với ông Đỗ Hữu Đấu, ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) thì những kỷ vật như mền dù, bi - đông đựng nước, ba lô... một thời chiến tranh đã theo ông đến suốt cuộc đời. Ông Đấu tâm sự: “Cái thời bom đạn khói lửa đã qua rồi, nhưng những vật dụng thì đến giờ chúng tôi vẫn còn giữ. Đó không chỉ là kỷ niệm của một thời sống chết có nhau, mà còn khắc sâu tình cảm đồng chí, đồng đội, nên suốt đời tôi không thể nào quên”.
Những kỷ vật thiêng liêng
Những kỷ vật thời chiến của ông Đấu, bà Kỉnh hiện đang được trưng bày tại Nhà truyền thống của huyện Nghĩa Hành. Khi hiến tặng những hiện vật này, họ muốn góp phần lưu giữ và truyền ngọn lửa truyền thống, tôn vinh những chiến công, đóng góp về sức người, sức của của nhân dân, để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện, kỷ niệm một thời vẫn hiện hữu trong số hàng vạn kỷ vật và cho đến mãi bây giờ, nó đã trở thành vật báu đầy thiêng liêng. Đôi đũa mà ông Đỗ Hữu Đấu hiến tặng cho được làm từ mảnh vỡ của chiếc máy bay địch do ông và đồng đội bắn rơi năm 1961 ở Ruộng Khâm, thuộc căn cứ Ba Nhà, huyện Ba Tơ.
Ông Đấu chia sẻ: “Khi có mảnh vỡ của chiếc máy bay, chúng tôi muốn làm vài ba vật dụng để làm kỷ niệm. Và đến bây giờ, nó vẫn theo tôi. Vừa rồi, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện có ngỏ ý nên tôi cũng đã hiến tặng và mong muốn nó được lưu giữ ở những nơi được nhiều người biết đến”.
Sắp bước qua tuổi 70, nhưng ký ức về chiến tranh với bà Trần Thị Minh Kỉnh vẫn đong đầy. Bà đã hiến tặng cho bảo tàng huyện 3 hiện vật rất quý, đó là cuốn nhật ký, sổ học tập y dược và hộp dụng cụ y tế lúc bà còn phục vụ cho cách mạng. “Cuốn sổ nhật ký có rất nhiều đồng đội, bạn bè của tôi viết trong ấy, giờ nhìn lại mình vẫn còn nhớ như in những hoàn cảnh, từng câu chuyện được viết, nên mỗi khi nghĩ đến họ mình lại thấy thương nhớ”, bà Kỉnh tâm sự.
Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghĩa Hành Đặng Kim Dũng bày tỏ: “Những hiện vật của ông Đấu, bà Kỉnh hiến tặng đã làm phong phú thêm cho nhà truyền thống huyện. Nhờ đó, giúp thế hệ trẻ biết và hiểu hơn về truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh giành hòa bình, độc lập cho đất nước, dân tộc”.
Bài, ảnh: MẠNH KHOA