(Báo Quảng Ngãi)- Luôn ứng trực, sẵn sàng lên đường khi có sự cố xảy ra và đối mặt với nhiều nguy hiểm... Đó là nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng 3), Cảnh sát PCCC tỉnh.
Trưởng Phòng 3, đại tá Lê Văn Phú, chia sẻ, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố cháy nổ, mùng 5 Tết, khoảng 18 giờ 45 phút, phòng đã xuất quân, phương tiện tham gia chữa cháy tại nhà xưởng hàn và lắp ráp của Công ty TNHH MTV sản xuất và lắp ráp ô tô khách Trường Hải, tại huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Việc chữa cháy rất nguy hiểm, bởi đây là vụ hoả hoạn lớn, đám cháy phức tạp, nhưng đến khoảng 2 giờ sáng mùng 6 (ngày 3.2), đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, phòng nhận tin tại phía nam cầu Trà Khúc 1 có 1 nam thanh niên chết đuối liền cử 14 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng 3, Cảnh sát PCCC tỉnh tham gia cứu vớt nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn |
Công tác tìm kiếm lúc này hết sức khó khăn, bởi trời tối, mưa và lạnh. Trên bờ, các thành viên trong đội vừa phải làm công tác tư tưởng, an ủi, động viên thân nhân gia đình, vừa theo dõi, hướng dẫn đồng đội bên dưới tập trung các phương tiện tìm kiếm. Và sau hơn 2 giờ đồng hồ, đội đã tìm thấy thi thể nạn nhân là Nguyễn Đức Thuận (24 tuổi) ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) và bàn giao cho Công an thành phố làm các thủ tục liên quan.
Ở mỗi tình huống, ngoài chuyên môn nghiệp vụ được trang bị, cán bộ, chiến sĩ trong phòng còn có những sáng kiến, cách làm hay để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ làm tốt công tác chữa cháy mà các anh không quản ngại vất vả, lặn lội thâu đêm, để tìm kiếm những nạn nhân đuối nước. Cụ thể là, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 5.2, nhận tin báo, phía bắc cầu Trà Khúc 1 có một người tự tử cần cứu giúp, phòng điều 16 cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm. Việc tìm kiếm kéo dài tới 21 giờ 30 phút, nhưng không tìm thấy, nên phải gác lại do trời tối, nước sâu, sông rộng.
Sáng hôm sau 18 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục tìm kiếm và đến 9 giờ 30 phút thì vớt được thi thể nạn nhân là ông Nguyễn Văn Tuấn (47 tuổi) ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). “Mỗi lần tham gia cứu nạn, cứu hộ là một lần đối mặt với hiểm nguy. Chỉ có lòng nhiệt huyết, yêu nghề mới gắn bó với công việc, trong khi phương tiện, trang thiết bị đều thiếu…”, thượng úy Lê Hồng Điệp chia sẻ đặc thù công việc mà anh cùng đồng đội đang thực hiện.
Đại uý Phạm Thành Long cho biết thêm, lính cứu nạn cứu hộ làm việc trong môi trường áp lực cao. Khi tham gia cứu hộ các vụ đuối nước, lực lượng cứu nạn cứu hộ làm nhiệm vụ trong trạng thái tinh thần căng thẳng, bởi ngoài việc tâm lý bị tác động bởi thân nhân các nạn nhân hối thúc tìm kiếm, còn có hàng nghìn người dân hiếu kỳ, tập trung theo dõi, “thẩm định” nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ của phòng. “Trong các trường hợp đuối nước, để tìm kiếm được thi thể nạn nhân một cách nhanh nhất, cán bộ, chiến sĩ phải có kinh nghiệm, xác định dòng chảy, phân tích các tình huống và đưa ra phương án tìm kiếm khả thi”, đại uý Long nói.
Vất vả, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là vậy, song các thành viên trong Phòng 3 vẫn gắn bó hết mình với công việc, bởi các anh luôn nghĩ rằng nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”. Những hành động bình dị và chân thật, họ đã nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Bài, ảnh: BÁ SƠN