Lực lượng dân quân tích cực hỗ trợ người dân vùng lũ

02:12, 08/12/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Gần 10 ngày qua, nhiều khu dân cư bị ngâm trong nước bạc. Đây là thời điểm các địa phương huy động toàn bộ lực lượng dân quân hỗ trợ người dân vùng trũng di dời tài sản, chốt chặn 24/24 giờ ở những đoạn đường xung yếu bị nước lũ tấn công.
Gần 10 ngày nước lũ từ sông Trà Câu tràn về các khu dân cư ở xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ là từng ấy thời gian anh Cao Việt Thái cùng đồng đội không hề ngủ tròn giấc vì phải gánh trên mình trách nhiệm nặng nề. Anh Thái đã phải túc trực tại điểm ngập lụt sâu ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh theo 2 ca ngày và đêm để đảm bảo bất cứ lúc nào người dân cần hỗ trợ thì sẽ có mặt giúp sức.
 
“Nhà tôi cũng trong vùng An Trường này. Nước lũ về thì ngập đến 1,5 mét. Chưa kịp phụ bố mẹ và vợ dọn dẹp nhà cửa thì nghe lệnh triệu tập hỗ trợ người dân thì tôi liền đến nơi tập trung để được phân công nhiệm vụ”- Anh Thái chia sẻ.

 

Chốt chặn ở các điểm xung yếu, hỗ trợ người dân vùng lũ di chuyển an toàn
Chốt chặn ở các điểm xung yếu, hỗ trợ người dân vùng lũ di chuyển an toàn
 
Ngâm mình trong nước lũ nhiều tiếng đồng hồ, giúp dân vận chuyển lúa thóc, trâu bò đến nơi cao ráo, chèo thuyền đưa lương thực tiếp tế về vùng trũng... là những công việc không hề dễ dàng trong thời tiết mưa lũ. Tuy nhiên với các chiến sĩ dân quân địa phương, đây là nhiệm vụ cần phải hoàn thành để đảm bảo an toàn tính mạng lẫn tài sản cho người dân.
 
Hiện nước sông Trà Câu đang trên mức báo động 3. Nhiều nơi ở các xã Phổ Ninh, Phổ Thuận, Phổ Văn bị ngập sâu đến 2 mét. Nhiều người dân không thể rời khỏi nhà mình bởi nước lũ cô lập hoàn toàn. Nhưng ở những nơi nước lũ tấn công mạnh mẽ nhất, chúng tôi vẫn thấy bóng dáng của lực lượng dân quân địa phương túc trực cả ngày lẫn đêm.
 
Để ứng phó với đợt mưa lũ mới nhất, huyện Đức Phổ có hơn 200 chiến sĩ dân quân tại chỗ và cơ động làm nhiệm vụ trong lũ. “Công việc ở nhà đành phải nhờ đến vợ con. Dù mình cũng là người dân có nhà bị ngập lụt. Làm nhiệm vụ lúc mưa lũ thì vô cùng nguy hiểm. Nhưng nếu chúng tôi không hỗ trợ người dân thì khi có những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đó là lỗi rất lớn khi không hoàn thành nhiệm vụ”- Anh Thái dốc lòng chia sẻ.
 
Đó là nỗi niềm của rất nhiều chiến sĩ dân quân tại chỗ và cơ động đang tích cực chốt chặn, túc trực ở nhiều khu dân cư bị ngập sâu trong lũ trên địa bàn tỉnh. Từ 3 giờ sáng 8.12, ngay khi có tin nước lũ sông Vệ dâng cao trở lại, anh Nguyễn Công Việt được điều động đến đoạn đường ngập sâu từ thị trấn Sông Vệ đi Nghĩa Hiệp.
 
Do phải ngâm trong nước lũ nhiều giờ, cộng với việc phải liên tục hướng dẫn người dân đi đường khác để tránh, giọng anh Việt đến nay đã khàn đặc. “Cả tuần nay, hễ nước lũ lớn là chúng tôi ra đường túc trực những điểm xung yếu có nhiều người qua lại để nhắc nhở, chốt chặn không cho qua để tránh những tai nạn có thể xảy ra”- Anh Việt chia sẻ. 
 
Lực lượng dân quân hỗ trợ người dân di chuyển lúa gạo đến nơi cao ráo
Lực lượng dân quân hỗ trợ người dân di chuyển lúa gạo đến nơi cao ráo
 
 
Không riêng anh Việt, gần 30 chiến sĩ dân quân tự vệ của thị trấn Sông Vệ cũng được huy động tích cực bám sát địa bàn, chủ động hỗ trợ người dân tại 6 điểm nước lũ tràn qua đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển.
 
Nước lũ vẫn còn ở mức cao, chia cắt cô lập nhiều khu dân cư ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh… Điều đáng lưu ý hiện nay vẫn là việc chốt chặn ở các điểm nguy hiểm do nước lũ tấn công. Do đó, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đã điều động tối đa nguồn lực lực lượng dân quân tự vệ chốt chặn, túc trực liên tục ở vùng lũ.
 
Ông Dương Văn Tô- Phó Ban chỉ đạo Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay: Đến lúc này, chúng tôi đã hỗ trợ người dân ở mức tối đa để ứng phó với lũ. Hiện tượng lũ chồng lũ rất nguy hiểm nên tất cả nguồn lực từ lực lượng dân quân tự vệ lẫn thanh niên xung kích đều được điều động làm nhiệm vụ 24/24h cho đến khi nước lũ không còn đe dọa đến các khu dân cư.
 
Khi nước lũ vẫn còn thì các chiến sĩ dân quân tự vệ vẫn thầm lặng giữa mưa lũ với những vật dụng quen thuộc là áo pháo, còi, loa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Với họ, để người dân vùng lũ và tài sản luôn an toàn, họ phải dốc toàn lực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho đến khi nước rút.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.