Xây dựng lực lượng dự bị động viên: Còn nhiều bất cập

07:10, 16/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác động viên là một trong những nội dung quan trọng của công tác tổ chức lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, do đó việc xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) là nhiệm vụ không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.

TIN LIÊN QUAN

Lượng và chất được nâng lên

Theo quy định, 100% quân nhân sau khi xuất ngũ về địa phương sẽ được địa phương tiếp nhận, quản lý và tổ chức đăng ký vào ngạch DBĐV. Đồng thời, tiến hành đăng ký vào diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. Hằng năm, gắn với diễn tập chỉ huy – cơ quan, diễn tập vận hành cơ chế trong khu vực phòng thủ với việc triển khai thông báo lệnh động viên từ tỉnh đến cơ sở và quân nhân dự bị. Nhờ đó, khả năng sẵn sàng động viên của các đơn vị DBĐV được nâng lên.

Lực lượng dự bị động viên TP.Quảng Ngãi tham gia huấn luyện hằng năm.
Lực lượng dự bị động viên TP.Quảng Ngãi tham gia huấn luyện hằng năm.


Công tác đào tạo sĩ quan dự bị (SQDB) đến nay đã tổ chức được 8 khóa, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương. Từ đó, góp phần bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ SQDB, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong số được đào tạo, đã có 22 đồng chí là cán bộ chủ chốt cấp xã. Công tác Đảng trong lực lượng DBĐV cũng luôn được chú trọng, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DBĐV trên địa bàn tỉnh đạt 8,5%.

Bên cạnh công tác xây dựng lực lượng, đào tạo, huấn luyện, lực lượng DBĐV cũng đã đóng góp tích cực vào các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong các đợt huấn luyện dã ngoại, quân DBĐV kết hợp làm công tác dân vận ở các địa phương. Lực lượng này đã tham gia làm 15 con đập ngăn nước với chiều dài 170m; đào đắp trên 750m3 đất, nạo vét 75km kênh mương nội đồng, với tổng số 3.250 ngày công; sửa chữa 32km đường giao thông nông thôn...

Vẫn còn nhiều bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng lực lượng DBĐV ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là, dù chế độ chính sách cho lực lượng này đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn thanh niên xuất ngũ về địa phương do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải đi làm ăn xa, ảnh hưởng đến công tác triệu tập huấn luyện hằng năm.

Thượng tá Nguyễn Thanh Trà – Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP.Quảng Ngãi, cho biết: Khi tuyển gọi công dân nhập ngũ, các địa phương phải đảm bảo tỷ lệ đảng viên là 1% chỉ tiêu. Khi vào quân ngũ, các đảng viên được sinh hoạt Đảng trong đơn vị, nhưng khi xuất ngũ về địa phương, nhiều đồng chí không có việc làm ổn định phải đi làm ăn xa, nên không sinh hoạt Đảng theo quy định tại địa phương. Thậm chí có nhiều thanh niên phải xin không tham gia sinh hoạt định kỳ, do không có thời gian.

“Khi nhập ngũ thì chúng ta làm vội vàng cho đủ chỉ tiêu, còn khi xuất ngũ thì do hoàn cảnh thanh niên phải xin thôi sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV, mà sẽ ảnh hưởng đến tương lai con em họ sau này, vì trước đây đã xin ra khỏi Đảng. Tình trạng này là thực tế, khiến chúng tôi rất xót xa”, thượng tá Nguyễn Thanh Trà, chia sẻ.

Trong khi đó, đối với những thanh niên đang có việc làm  tại các nhà máy, các đơn vị, tổ chức, kinh tế, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại gặp khó khăn khác. Đó là, nếu chấp hành thời gian huấn luyện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các đơn vị đó sẽ chấm dứt hợp đồng, dẫn đến mất việc làm. Còn nếu không chấp hành thời gian huấn luyện thì vi phạm pháp luật (chống lệnh), buộc cấp thẩm quyền phải thi hành kỷ luật, buộc các đơn vị cho nghỉ việc.

Những bất cập trên đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho lực lượng DQTV.


Bài, ảnh: X.THIÊN



 


.