(Báo Quảng Ngãi)- Trong chiến tranh, nhân dân đùm bọc, nuôi giấu bộ đội để cùng nhau đánh giặc ngoại xâm. Đất nước hòa bình, thống nhất, những người lính thời bình tiếp nối truyền thống oai hùng của bộ đội năm xưa, sống trọn nghĩa, vẹn tình với vùng đất đã chở che bộ đội thuở hàn vi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi vinh dự được nhiều lần theo chân Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh về thăm và giúp đỡ đồng bào Hrê xã Ba Chùa (Ba Tơ). Cũng như bao lần trước, lần trở lại trong những ngày tháng 4 lịch sử này, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của vùng đất cách mạng bên dòng sông Re. Trên gương mặt đồng bào Hrê ai nấy đều vui, hăng hái ra đồng làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu.
Lãnh đạo BCHQS tỉnh tặng quà cho người dân xã Ba Chùa. |
Trên những ngọn đồi, mía xanh rì chạy tít tắp nối nhau hòa cùng với màu xanh bạt ngàn của những đồi keo từ phía xa. Đấy là màu xanh no ấm, hạnh phúc của người dân bên dòng sông Re. Anh Phạm Văn Thuộc- Trưởng thôn Gò Ghềm đưa tôi vào thăm Nhà văn hóa thôn mà lòng phơi phới niềm vui. Công trình này do Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng và đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Con đường dẫn vào nhà văn hóa ngày trước là đoạn đường đất ngoằn ngoèo dọc theo ruộng mía, nay đã được bê tông sạch sẽ. Đưa tay về phía tấm biển được gắn trang trọng với dòng chữ “Công trình đoàn kết quân dân”, anh Thuộc phấn khởi, nói: Có nhà văn hóa, bà con có nơi sinh hoạt hội họp nên vui lắm. Con đường bê tông này cũng do bộ đội góp công xây dựng; ngày lễ, Tết bà con còn được bộ đội tặng quà, tình cảm quân dân thêm mặn nồng.
Xã Ba Chùa có hơn 500 hộ với 1.500 nhân khẩu. Thời gian qua, cùng với sự đầu tư của các cấp, Bộ CHQS tỉnh cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho người dân nơi đây, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện xã có 70% đường liên thôn, xóm đã được bê tông. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ hộ nghèo còn hơn 20%. Xã được chọn là một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới. |
Những ngày cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh về đã mang đến niềm tin yêu vào Đảng, những người lính Cụ Hồ đối với đồng bào Hrê Ba Tơ. Các anh đã góp công làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng; khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; tặng quà cho người dân khi lễ Tết càng làm cho tình quân dân thêm thắm thiết.
Về thôn Nước Trinh, ngắm nhìn dòng suối Lệ Trinh thơ mộng, nước chảy hiền hòa như chính những con người nơi đây càng làm cho tôi vui hơn. Ông Phạm Đức Trinh (96 tuổi) - chứng nhân duy nhất là người Ba Tơ trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ năm xưa còn lại cũng không giấu được niềm vui trước những đổi thay của quê hương. Dù tuổi cao, sức đã yếu, nhưng cụ vẫn minh mẫn kể về quê hương những ngày đầu cách mạng:- Ngày trước, nhân dân chúng tôi che chở, nuôi giấu bộ đội, cùng nhau đánh giặc, bây giờ, cuộc sống hòa bình, bộ đội quan tâm giúp đỡ người dân, địa phương phát triển làm cho tình quân dân thêm keo sơn. Vùng đất này thấm đậm tình quân dân từ những ngày đầu cách mạng vẫn còn gìn giữ đến hôm nay.
Ba Chùa là cái nôi của cách mạng, nơi đứng chân của LLVT Quân khu 5. Trong chiến tranh, nhân dân nơi đây đùm bọc, chở che cho bộ đội. Để tri ân người dân nơi đây, Quân khu 5 cũng như LLVT tỉnh dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho Ba Chùa. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là tham gia chương trình “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đại tá Võ Văn Hưng – Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Để thể hiện tình cảm tri ân với vùng đất cách mạng Ba Chùa, nơi ra đời Đội du kích Ba Tơ - tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5, Bộ CHQS tỉnh luôn nêu cao ý thức trách nhiệm và dành nhiều sự quan tâm đối với người dân nơi đây, thể hiện lòng tri ân của những người con trưởng thành từ vùng đất mẹ.
Bài, ảnh: MAI HÒA