(Báo Quảng Ngãi)- Đã 41 năm trôi qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng trong tâm trí của người lính, ký ức về những năm tháng chiến tranh gian khó, nhưng cũng rất vẻ vang, hào hùng của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên. Với những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - năm 1975, thì những ký ức về ngày toàn thắng của dân tộc, non sông thu về một mối không thể nào phai mờ.
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi tìm đến nhà đại tá Nguyễn Duy Úy ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) – một nhân chứng sống trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ở tuổi 86, nhưng chất lính, sự mộc mạc của người chiến sĩ cộng sản vẫn vẹn nguyên trong ông.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, với nhiều Huân, Huy chương các loại, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng... được treo ngăn nắp trên tường. Chất lính trong ông là vậy đó. Cầm tờ giấy chứng nhận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đưa chúng tôi xem mà mắt ông rưng rưng lệ. Có lẽ ông xúc động, bởi đây là một kỷ vật minh chứng cho những năm tháng oai hùng nhất của cuộc đời người lính mà ông đã đi qua. Ông là một trong số ít người con Quảng Ngãi kiên trung chạm vào thời khắc lịch sử của dân tộc, tạo nên dấu mốc không thể nào quên đối với bộ đội và nhân dân Việt Nam, cũng như bạn bè thế giới.
Đại tá Nguyễn Duy Úy, kể: Khi đó tôi là cán bộ thuộc đơn vị Phòng bảo vệ Cục Chính trị Miền - B2. Để thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã bàn và thông qua các kế hoạch về Tổng tiến công và chuẩn bị nổi dậy trên toàn B2. Từ tháng 2.1975, ông và đơn vị đã được học tập, quán triệt đầy đủ, ai làm gì, đơn vị nào phụ trách chỗ nào và đánh như thế nào đã được phân công rõ ràng. Đầu tháng 4, chiến trường Nam Bộ đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, chuẩn bị đón thời cơ lịch sử. Trên các trục đường chiến lược, 5 cánh quân lớn thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm.
Đơn vị của ông nằm ở cánh quân Tây Bắc của Quân giải phóng đã tiến đánh quân địch trên trục đường số 1 theo hướng Tây Ninh - Hóc Môn, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng 3 giờ sáng ngày 30.4, pháo kích bắt đầu tấn công dồn dập vào sân bay, tiếng nổ long trời đã phá nát hệ thống hàng rào bảo vệ sân bay của địch. Chỉ trong một thời gian ngắn, sân bay đã bị tê liệt do những đợt tấn công của quân ta, địch hoàn toàn thất thủ, không chống cự nổi.
Trưa 30.4.1975, năm cánh quân hợp điểm giữa Sài Gòn, lực lượng như vũ bão, dài hơn 10km nối đuôi nhau. Nhiệm vụ được phân công từ trước đó: Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập; Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài Phát thanh; Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu vực các Bộ tư lệnh, các binh chủng; Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Riêng ông và đơn vị Cục Chính trị Miền - B2 theo chức năng được phân công tiếp quản Nha Quân pháp và Nha Chiến tranh chính trị của ngụy, bảo vệ hồ sơ của ngụy để lại giao cho Cục Bảo vệ (Bộ Quốc phòng).
Hòa bình lập lại, ông về đoàn tụ cùng gia đình và tiếp tục tham gia các phong trào tại địa phương. Nhiều năm liền ông giữ vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội CCB huyện... Với câu chuyện về một thời qúa khứ hào hùng và những tấm Huân, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông như một tài sản vô giá để lại cho con cháu mai sau.
Bài, ảnh: Sa Huỳnh