(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1970, tại xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) một Chi đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh được thành lập. Tuổi đời của mỗi đội viên từ 11-14 tuổi. Tuy còn nhỏ, nhưng họ đã lập những thành tích xuất sắc, trở thành cánh tay đắc lực của du kích, bộ đội đóng ở xã Tịnh Giang vào thời điểm đó...
Tuổi nhỏ... làm việc lớn
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Tịnh Giang có đường giao thông huyết mạch lên huyện Sơn Hà, có dòng sông Giang thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí và địa bàn xã có núi rừng hiểm trở, tạo nên một bức thành vững chắc cho cách mạng. Vì vậy, từ những ngày đầu kháng chiến, Tịnh Giang đã được Trung ương chọn làm nơi đặt đài phát thanh, xưởng quân khí, xưởng in, kho lương thực và nhiều đơn vị của Quân khu 5, tỉnh, huyện đóng trên địa bàn.
Buổi gặp mặt của các thành viên Chi đội Lê Mã Lương (năm 2015). |
Giữa những ngày tháng gian khó, ác liệt ấy, vào ngày 15.5.1970, Chi đội TNTP Hồ Chí Minh Tịnh Giang được thành lập với 19 đội viên. Đến năm 1972, Chi đội mang tên Chi đội Lê Mã Lương- Anh hùng LLVT khi mới 21 tuổi. Với tinh thần không ngại hy sinh, gian khổ, các đội viên Chi đội Lê Mã Lương sẵn sàng làm bất cứ điều gì Đảng bộ, du kích, các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn phân công...
Chúng tôi gặp Bác sĩ Vũ Minh Phương - Trưởng trạm Y tế xã Tịnh Giang. Ông là một trong số những đội viên của Chi đội Lê Mã Lương thời ấy. Nói về Chi đội mình, ông tự hào: “Chúng tôi xây dựng Chi đội thành 3 phân đội đóng ở ba nơi gồm khu dồn Hòn Một, đồng Thổ Lưu và Tịnh Đông. Mỗi phân đội được phân công nhiệm vụ nắm bắt tình hình địch, vận chuyển lương thực, làm liên lạc, vót chông, tăng gia sản xuất... Có nhiều đội viên, trong lúc hoạt động thì bị địch phát hiện. Họ đã anh dũng hy sinh khi mới 14 tuổi. Dù vậy, nhưng tinh thần tất cả đội viên không một ai dao động. Họ một lòng trung thành với cách mạng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Đội viên 14 tuổi, tay không bắt giặc
Vào năm 1972 tại cánh đồng Ruộng Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) một quả mìn hẹn giờ phát nổ, cùng lúc giết chết 5 tên lính ngụy. Tin chấn động ấy lan ra khắp các xã lân cận, làm bọn địch lúc ấy hoang mang, khiếp sợ. Mãi đến ngày giải phóng, nhiều người kinh ngạc khi biết rằng, người gài quả mìn giết chết 5 tên địch ấy là Ngô Văn Tịnh, một đội viên gan dạ của Chi đội Lê Mã Lương. Lúc đó Tịnh mới 12 tuổi.
Tiếp sau chiến công thầm lặng ấy, vào năm 1974, đội viên Ngô Văn Tịnh đã gan dạ phối hợp với 3 trinh sát của Quân khu 5, bí mật bắt sống một tên địch để khai thác thông tin về hầm ngầm bí mật của địch tại huyện Sơn Hà, phục vụ cho việc vạch ra những chiến lược tổ chức đánh lớn của quân ta sau này.
Đó là một ngày cuối năm 1974, phát hiện một tên lính ngụy đang nấu cơm trưa tại nhà người thân, Ngô Văn Tịnh được giao nhiệm vụ vào nhà tên địch, dưới sự giúp đỡ của 3 đồng chí trinh sát đang ẩn nấp cách đó chừng 30m. Ông Tịnh kể: “Đó là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm. Vì tên lính khoảng 24 tuổi, người cao to và có súng. Khi tôi vừa bước vào nhà, người thân của tên lính hỏi dồn: “Mày là con ai, vào đây làm gì? Tôi nhanh miệng đáp: “Cháu là con bà T. đánh bắt cá dưới sông”. Sau vài phút làm quen, tên địch hết nghi ngờ, vì tôi chỉ là một đứa trẻ. Hắn bỏ súng xuống giường tiếp tục nấu cơm. Chỉ trong chớp mắt, tôi cướp lấy khẩu súng, lên đạn, rồi hô lớn: “Giơ tay lên, mày đã bị bắt!”. Không có cơ hội chống cự, tên địch giơ tay đầu hàng. Cùng lúc đó 3 trinh sát của ta ập vào bắt tên địch giải đi”.
Ông Phạm Minh Tâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Tịnh Giang cũng là đội viên của Chi đội Lê Mã Lương thời ấy kể: “Qua quá trình hoạt động, Chi đội Lê Mã Lương ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1975 đã có 61 đội viên tham gia. Có người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tinh thần quả cảm, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của họ mãi mãi là bài học về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN