(Báo Quảng Ngãi)- Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) ra đời ngày 20.11.1963. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, lập nên nhiều chiến công vang dội, ba lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đặc biệt có một chiến thắng đã gắn liền với tên tuổi của đơn vị - Chiến thắng Ba Gia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp”
Phòng truyền thống của Trung đoàn Ba Gia hiện đang lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về chiến thắng vang dội này. Trận đánh Ba Gia diễn ra từ ngày 29 đến 31.5.1965 tại địa bàn Tây Sơn Tịnh. Trung đoàn phối hợp cùng LLVT và nhân dân địa phương đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, tiêu diệt hoàn toàn 1 chiến đoàn quân ngụy, gồm 3 tiểu đoàn (có 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược), diệt 916 tên (có 4 cố vấn Mỹ), bắt sống 65 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, giáng một trong những đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta.
Trung úy Lê Văn Thắng, Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn Ba Gia giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về chiến thắng Ba Gia. |
Lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, quân ta mở chiến dịch tiến công quy mô nhỏ mà đạt kết quả lớn. Một Trung đoàn chủ lực của ta tiêu diệt 1 chiến đoàn chủ lực ngụy, thể hiện sự lớn mạnh của quân chủ lực Khu 5. Với chiến thắng này, Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì và cờ danh dự: "Trung với Đảng, hiếu với dân, chiến thắng Ba Gia lập công đầu". Từ đây, Trung đoàn được mang tên Đoàn Ba Gia. Khẩu hiệu hành động của Trung đoàn “Nhanh như Chớp Nón, gọn như Ba Gia" cũng ra đời từ đó.
Đánh giá thắng lợi này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận xét: “Chiến thắng Ba Gia là một trận tiêu diệt chiến tuyệt đẹp của quân ta. Lần đầu tiên trên một địa hình không được thuận lợi và đặc biệt, bên địch chiếm ưu thế binh lực, hỏa lực so với ta, thế mà ta không những dám đánh, mà còn diệt gọn toàn bộ quân địch, bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều vũ khí, còn bên ta thương vong rất ít. Chiến thắng này làm nức lòng quân và dân ta, in một thất bại nặng nề của địch, đến nỗi liền ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Giôn Sơn phải chua cay thú nhận rằng: Đó là một thất bại nghiêm trọng của hắn và bè lũ".
Phát huy truyền thống Đoàn Ba Gia Anh hùng
Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc- Trung đoàn trưởng khẳng định: “Chiến thắng Ba Gia thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và cũng là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Khu ủy, Quân Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, chính quyền và nhân dân các địa phương, đơn vị Khu 5. Những kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật “tạo thế, khơi ngòi”, “đánh điểm diệt viện”, phát huy thế trận lòng dân, bảo đảm hậu cần tại chỗ… được đơn vị kế thừa, đưa vào huấn luyện, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.
Tự hào mang tên Đoàn Ba Gia anh hùng, những năm qua, Trung đoàn luôn làm tốt công tác giáo dục truyền thống vẻ vang “Trên tin, bạn mến, dân thương. Đã đi là đến, đã đánh là thắng” với nhiều hình thức phong phú, sinh động như tham quan Nhà truyền thống, thi tìm hiểu truyền thống, nghe cựu chiến binh kể chuyện đánh giặc, hành quân về chiến trường xưa, thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu quân nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Trung úy Lê Văn Thắng, trợ lý tuyên huấn Trung đoàn, một người con của xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, có cha là du kích từng tham gia trận đánh Ba Gia năm xưa, mỗi lần tuyên truyền cho chiến sĩ, giọng anh luôn “chứa lửa”. Anh tâm sự: Tìm hiểu về trận đánh Ba Gia năm 1965, có rất nhiều câu chuyện cảm động về lòng dân đối với bộ đội. Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Ba Gia (31.5), tri ân quê hương cách mạng, Trung đoàn tổ chức đợt hành quân về nguồn, thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách, Bà Mẹ VNAH, đồng bào nghèo của địa phương…
Học tập về truyền thống đơn vị, binh nhì Nguyễn Ngọc Linh (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Ba Gia), đã tốt nghiệp Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Ôn lại những trang sử hào hùng của Trung đoàn, chúng tôi càng vinh dự, tự hào là quân nhân của Trung đoàn “thép”. Các thế hệ đi trước đã cống hiến máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc, thế hệ chúng tôi hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, vượt nắng thắng mưa trên thao trường, viết tiếp trang sử vẻ vang của Đoàn Ba Gia anh hùng trong thời kỳ mới”.
Bài, ảnh: Ngọc Diệp