(Báo Quảng Ngãi)- Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính biên phòng, song cũng vô cùng khó khăn gian khổ. Để giúp họ vượt qua điều đó, các anh luôn luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ từ những người vợ, người mẹ nơi gia đình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Đỗ Thị Nguyệt Nga, giáo viên Trường Tiểu học Phổ Hòa (Đức Phổ) có chồng là Thượng úy Lê Văn Lưu hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất. Hai vợ chồng chị cưới nhau được 10 năm, vì nhiệm vụ ở đơn vị anh thường xuyên vắng nhà, mọi việc trong gia đình đều do chị cáng đáng. Những khi con ốm, con đau, một tay chị chăm sóc; mọi việc trong gia đình, nội ngoại hai bên chị đều lo chu toàn để chồng yên tâm công tác.
Mặc dù công việc bận rộn, nhưng chị Nga vẫn dành thời gian cùng các con chăm sóc những chậu hoa để căn nhà được ấm áp. |
“Đã làm vợ của người lính thì phải biết hy sinh những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống để lo cho gia đình luôn luôn đầm ấm. Bởi hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng, trong có ấm, thì ngoài mới êm”, chị Nga tâm sự. Chính vì thế nên dù công tác xa nhà, nhưng chồng chị vẫn tin tưởng vào sự dạy dỗ con cái học hành ngoan ngoãn của người vợ nơi quê nhà.
Cùng hoàn cảnh của những người vợ lính, chị Lê Thị Kim Chung, giáo viên Trường Tiểu học số 2- Tịnh Kỳ (TPQN)- vợ của Thượng úy Võ Quốc Vương, hiện đang công tác ở Đồn Biên phòng Lý Sơn, cũng là người vợ đảm đang. Hơn 10 năm ra đảo công tác, thì cũng chừng ấy năm chị đón các ngày lễ, tết không có chồng bên cạnh. Và năm nay cũng vậy. Ngày 8.3, chị cùng với con gái dọn dẹp nhà cửa, mua vài bông hồng cắm vào lọ để cùng con gái chia vui trong ngày dành riêng cho phụ nữ.
Đứa con gái đầu lòng, mặc dù mới học lớp 3 nhưng cũng cảm nhận được công việc của bố và hoàn cảnh của mẹ nên đã dành riêng tiền lì xì trong Tết mua tặng mẹ bông hoa hồng thay cho quà của bố. Chị vừa công tác, vừa nuôi dạy 2 con, quán xuyến gia đình, vất vả là vậy, nhưng chị luôn động viên anh an tâm công tác. Ngoài lo chu toàn mọi việc, chị còn thay anh chăm sóc mẹ chồng, động viên an ủi mẹ lúc trái gió trở trời. Vượt lên những buồn tủi, nhớ thương chồng, chị cảm thấy rất tự hào về sự hy sinh thầm lặng của anh và những người lính biên phòng. Những câu chuyện về người lính biên cương được chị lồng ghép trong những bài giảng cho học sinh với mong muốn tiếp thêm ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ.
Chị Chung tâm sự: Được lấy chồng bộ đội là một niềm hãnh diện nhất trong cuộc đời của em. Tuy cách xa nhau, nhưng tình cảm vẫn nghĩ về nhau. Và em cũng mong rằng anh ở ngoài đảo công tác tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó cũng là niềm hạnh phúc nhất của những người vợ lính biên phòng.
Bài, ảnh: Khánh Toàn