Giải quyết triệt để tệ nghi kỵ đồ độc ở Ba Tơ

01:01, 14/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tệ nghi kỵ đồ độc tồn tại từ lâu trong cuộc sống của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ quả là có nhiều trường hợp nghi có đồ độc, bị mọi người trong làng cô lập, bị hành hung, thậm chí bị giết chết, gây mất an ninh trật tự và sự đoàn kết trong khu dân cư.

Theo thống kê của huyện Ba Tơ, từ năm 1975- 2006, trên địa bàn huyện có 11 người bị giết chết do nghi có đồ độc và hàng chục người khác bị đánh, có gia đình bị phân biệt đối xử. Riêng năm 2013, trên địa bàn huyện xảy ra 18 vụ nghi kỵ đồ độc. Trước tình hình này, Công an huyện tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt Nghị quyết 02 của Huyện uỷ Ba Tơ về phòng chống tư tưởng nghi kỵ đồ độc trong đồng bào dân tộc Hrê. Công an tổ chức cho số thầy cúng, thầy bói trên địa bàn ký cam kết xoá bỏ tệ nạn mê tín dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Từ đó đã tạo được sự chuyển biến từ trong nhận thức của bà con về vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN


Ông Phạm Văn Hầm, ở xã Ba Dinh làm nghề thầy mo đã hơn 10 năm nay và chuyên đi cúng cho bà con ở xóm làng mỗi khi gia đình có người đau ốm hoặc vào vụ lúa mới. Kể từ khi được Công an huyện tăng cường công tác tuyên truyền về việc chống tư tưởng mê tín, dị đoan, nghi kỵ đồ độc thì  không còn làm thầy cúng, thầy bói nữa. “Sau khi được Công an huyện tuyên truyền tôi đã hiểu rõ về tệ nghi kỵ đồ độc gây mất đoàn kết trong khu dân cư, bà con không yên tâm làm ăn, gây mất an ninh, trật tự. Bây giờ bà con chúng tôi sống đoàn kết lắm, không nghi kỵ lẫn nhau nữa, đau ốm thì đến bệnh viện chứ không cúng bói như trước”, ông Hầm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã thành lập mô hình giải quyết tệ nghi kỵ đồ độc trong đồng bào dân tộc Hrê và thường xuyên tổ chức giao ban, bàn các biện pháp để giải quyết tình trạng này. Đặc biệt, Công an huyện tăng cường công tác nắm tình hình và hướng về cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, giải quyết triệt để ngay từ khi vụ việc vừa mới phát sinh nên số vụ nghi kỵ đồ độc trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Nếu năm 2013 trên địa bàn huyện xảy ra 18 vụ thì đến năm 2014 chỉ xảy ra 2 vụ. Điển hình như xã Ba Vì năm 2013 xảy ra 4 vụ nghi kỵ đồ độc, nhưng năm 2014 không còn xảy ra vụ việc nào. Hiện nay bà con trong làng sống đoàn kết, gần gũi, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Đây là tín hiệu vui của huyện Ba Tơ trong việc giải quyết các vụ nghi kỵ đồ độc trên địa bàn.

Công an huyện Ba Tơ gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân không nghi kỵ đồ  độc tại xã Ba Dinh.
Công an huyện Ba Tơ gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân không nghi kỵ đồ độc tại xã Ba Dinh.


Thượng tá Đinh Tiếp Tuyến- Phó trưởng Công an huyện Ba Tơ chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tệ nghi kỵ đồ độc trong đồng bào dân tộc Hrê. Đó là, tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về tệ nạn này để ngăn chặn; đồng thời tranh thủ vai trò của người có uy tín để giải thích cho người dân không nên nghi kỵ lẫn nhau, củng cố khối đoàn kết, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, từng bước chuyển biến tư tưởng của nhân dân theo hướng tích cực. Khi phát hiện vụ việc liên quan đến nghi kỵ đồ độc, lực lượng công an xuống cơ sở nắm chắc tình hình, xác định nguyên nhân, nội dung, mục đích, tính chất của vụ việc. Bên cạnh đó là quản lý chặt đối tượng và tùy theo tính chất của vụ việc ít nghiêm trọng hay vụ việc phức tạp, nghiêm trọng để đề xuất biện pháp đấu tranh, ngăn chặn phù hợp”.

Những biện pháp và cách làm của Công an huyện Ba Tơ trong việc giải quyết các vụ nghi kỵ đồ độc là rất đáng để học hỏi và cần được nghiên cứu, nhân rộng ra ở các địa phương khác, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Ngọc Thương


 


.