(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hội thảo, các buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức thường xuyên ở các xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn đã giúp ngư dân Quảng Ngãi đang ngày đêm bám biển được thông tin đầy đủ về tính pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ đó, họ càng vững tâm bám biển, bám ngư trường truyền thống, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại huyện Lý Sơn, Tổng Cục An ninh (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học có chủ đề “Các vấn đề pháp lý, trợ giúp pháp lý cho ngư dân Lý Sơn đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút gần 200 ngư dân Lý Sơn là các chủ tàu cá và bạn tàu chuyên đánh bắt ở các vùng biển của nước ta.
Đối với ngư dân Lý Sơn, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay. Do đó, khi giong buồm ra khơi, ngư dân đều chọn đánh bắt trên vùng biển này. Thông qua hội thảo, ngư dân càng được củng cố thêm tính pháp lý về những bằng chứng liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, ngư dân cũng được nắm vững quan điểm của Việt Nam trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa; nội dung Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam và các văn bản pháp lý đã được cụ thể hóa về chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đang được Cảnh sát biển phổ biến các kiến thức pháp luật. Ảnh T.L |
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải cho biết: Ngư dân huyện đảo Lý Sơn thường xuyên đánh bắt ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Việc được tìm hiểu về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là điều rất cần thiết đối với ngư dân Lý Sơn. Đây cũng là cách để vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Trước đó, giữa tháng 6.2014, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức đợt tuyên truyền lưu động về chủ quyền biển đảo trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Hàng chục xe cổ động, tuyên truyền của các tỉnh đã hội tụ về Quảng Ngãi. Từ sáng sớm, đoàn xe cổ động của các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắc Lắc đã tập trung ở cảng Sa Kỳ. Sau đó, đoàn xe đi qua các tuyến đường chính của TP. Quảng Ngãi, đến huyện Đức Phổ và đi ngược lại về phía biển, mang theo tranh cổ động của các họa sĩ từ khắp mọi miền đất nước, chuyển tải thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo là thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam.
Ngư dân Nguyễn Bảo (xã Bình Châu, Bình Sơn) được chứng kiến đoàn xe lưu động tại cảng Sa Kỳ, chia sẻ: “Những thông điệp mà đoàn cổ động mang theo đã nói hộ tấm lòng của ngư dân chúng tôi. Đối với hàng ngàn ngư dân đang ngày đêm đánh bắt ở các ngư trường xa, thì biển đảo chính là máu thịt”.
Những năm qua, Sở Tư pháp luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân vùng biển. Thực hiện phong trào “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương”, năm 2014 Sở Tư pháp đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người dân các xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn. Tại các địa phương này, báo cáo viên đã tuyên truyền Luật Biển Việt Nam và các chính sách hỗ trợ ngư dân của Đảng và Nhà nước đến đại diện các ban ngành, hội đoàn thể, tổ trưởng tổ đánh bắt xa bờ, BCH các nghiệp đoàn nghề cá.
Ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Quảng Ngãi là địa phương có số lượng lớn tàu thuyền, ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nên việc định hướng, củng cố cơ sở pháp lý về Luật Biển Việt Nam, cũng như các cơ sở pháp lý về biển khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam cho ngư dân là rất quan trọng. Để ngư dân nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý cũng như những quy định khi đang hành nghề trên biển, Sở Tư pháp đã phát động phong trào “Hướng về biển đảo quê hương”. Đặc biệt, phong trào này đã được ngành tư pháp cả nước hưởng ứng.
Cũng theo ông Phạm Minh Hòa, Sở Tư pháp đã ký kết hợp tác với Hiệp hội nghề cá Quảng Ngãi triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho ngư dân hoạt động đánh bắt cá tại Hoàng Sa và Trường Sa trong 2 năm 2014 - 2015”.
Đề án với mục tiêu nâng cao nhận thức trong phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ, phát triển biển, đảo; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình hỗ trợ cho ngư dân góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có hơn 95% ngư dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan trên biển và được hỗ trợ pháp lý miễn phí; 1.000 lượt người ở mỗi tổ chức được trợ giúp pháp lý và 50% các vụ tranh chấp được can thiệp, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho các ngư dân bám biển.
NGUYỄN TRIỀU